Phát biểu chất vấn, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho biết, hiện nay, chúng ta đang triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Vấn đề này đem lại niềm vui và đáp ứng mong mỏi của nhiều gia đình. Tuy nhiên, có một số cử tri còn lo lắng cho rằng, vắc xin chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ em.

leftcenterrightdel
Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ về vấn đề này và các cơ sở khoa học để Bộ Y tế cho triển khai tiêm vắc xin đại trà cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi để cử tri yên tâm?” - đại biểu Trần Hữu Hậu chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Hậu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm. Đối với việc tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em sau khi tổng kết đánh giá, nghiên cứu trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và các nhà khoa học, đặc biệt là căn cứ hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh và cơ quan kiểm soát thuốc và thực phẩm của Hoa Kỳ đã chính thức cho phép tiêm vắc xin theo công nghệ mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Hiện nay, đã có gần 40 quốc gia tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em sản xuất theo công nghệ này.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn. 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ, cách làm của các nước cũng giống như Việt Nam, đó là tiêm từ lứa tuổi cao xuống lứa tuổi thấp, nhóm có nguy cơ bệnh lý nền, sau đó mở rộng đối tượng tiêm chủng. Vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA được sử dụng là vắc xin của Pfizer-BioNTech.

Về cơ chế tác động của vắc xin này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, khi vào trong cơ thể, không phải vắc xin xâm nhập vào gen của người mà nó sẽ xâm nhập vào bào tương kết hợp với các ribosome để sản xuất và tạo ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập của vi rút vào tế bào đó.

“Tức là vắc xin này sẽ không xâm nhập trực tiếp vào gen của chúng ta nên ý kiến cho rằng tiêm vắc xin có thể gây đột biến, gây ảnh hưởng sinh sản đối với trẻ em, cho đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định là không có cái này, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 10/11. 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, loại vắc xin thứ 2 được sử dụng theo công nghệ vắc xin bất hoạt, tức là công nghệ vắc xin của sinopharm sử dụng, hiện nay đã được 4 nước trên thế giới áp dụng cho trẻ nhỏ hơn cũng được đánh giá đảm bảo an toàn khi tiêm cho trẻ em.

“Tôi khẳng định, tất cả các vắc xin đã cấp phép và sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng tiêu chuẩn chung của thế giới và chúng tôi đã tham khảo các tổ chức thế giới khi đưa các loại vắc xin này dùng cho trẻ em” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Cảnh Vũ