leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/4. Ảnh: VPQH cung cấp.

Chính sách miễn học phí đối với người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù chưa được triển khai sau gần 1 thập kỷ

Trình bày tóm tắt Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, 2.033 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có 1.953 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 96,1%.

Cụ thể, về phía Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đã trả lời 38/38 kiến nghị. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới, đặc biệt là tiếp tục tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc về thể chế, xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu của đất nước để bước vào kỷ nguyên mới...

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo. Ảnh: VPQH cung cấp.

Về một số hạn chế trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình nêu rõ, một số chính sách ưu đãi của Nhà nước, mặc dù đã được ban hành nhưng chưa thể triển khai trong thực tiễn do Bộ, ngành chậm trình ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của chính sách.

Trong đó, cử tri đề nghị ban hành Danh mục các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Qua giám sát cho thấy, tại điểm c khoản 2 Điều 62 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định: miễn học phí đối với người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ thực hiện Luật, chính sách miễn học phí này vẫn chưa được triển khai. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tham mưu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Danh mục nêu trên.

Người có công với cách mạng thuộc nhiều đối tượng thì được hưởng trợ cấp, phụ cấp của nhiều đối tượng

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình cũng cho biết, từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục đề nghị xem xét giải quyết cho những người đang hưởng trợ cấp thương binh, đồng thời, đủ điều kiện hưởng chế độ mất sức lao động được nhận hai chế độ trợ cấp.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Qua giám sát cho thấy, tại khoản 3 Điều 6 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định: Người có công với cách mạng thuộc nhiều đối tượng thì được hưởng trợ cấp, phụ cấp của nhiều đối tượng. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 45 Nghị định số 131 cũng nêu rõ: Đối với trường hợp thương binh đồng thời là bệnh binh hoặc người hưởng chế độ mất sức lao động thì hưởng thêm một chế độ trợ cấp hằng tháng.

Vấn đề vướng mắc là Nghị định số 131 mới chỉ quy định hồ sơ, thủ tục giải quyết trợ cấp thương binh đối với người đang hưởng chế độ mất sức lao động, mà chưa đề cập đến quy trình giải quyết đối với trường hợp trước đây chọn thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động để chuyển sang nhận trợ cấp thương binh, nay có nguyện vọng được khôi phục quyền lợi về chế độ mất sức, điều này đã gây ra lúng túng trong tổ chức thực hiện tại nhiều địa phương.

Để giải quyết kiến nghị chính đáng của cử tri, Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đã đề nghị Bộ Nội vụ - cơ quan hiện nay được giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với người có công - khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật để đảm bảo người đang hưởng trợ cấp thương binh đồng thời là người mất sức lao động được giải quyết quyền lợi một cách đầy đủ, thống nhất và công bằng. Tiếp thu ý kiến, Bộ Nội vụ đã đưa nội dung này vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131 để trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Ngoài ra, một số vấn đề cử tri kiến nghị nhưng chưa được giải quyết kịp thời, gây khó khăn khi triển khai thực hiện. Cử tri kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Qua giám sát cho thấy, tại Quyết định số 1265 ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Mặc dù Bộ đã xây dựng kế hoạch ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật giai đoạn 2020 - 2022, trong đó bao gồm 9 nhóm dịch vụ công nghệ thông tin thuộc danh mục tại Quyết định số 1265, nhưng vẫn chưa ban hành được định mức cho 9 nhóm dịch vụ này. Đến nay, Quyết định số 1265 đã bị thay thế bằng Quyết định số 469. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rút kinh nghiệm trong việc chậm thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1265.

Minh Khôi