Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng tài ba, là danh tướng gắn liền với đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Chính ông, trong 10 năm làm Tư lệnh đã cùng Bộ Tư lệnh kiến tạo nên hệ thống đường Trường Sơn ngang dọc núi rừng, sông suối, là tiền đề dẫn tới chiến thắng toàn diện của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

leftcenter
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe báo cáo từ tướng Đồng Sỹ Nguyên trong chiến dịch đường 9 Nam Lào. Ảnh tư liệu.

Ngày đó, hệ thống đường Trường Sơn thực sự là chiến trường khốc liệt giữa nỗ lực của miền Bắc chi viện cho quân Giải phóng miền Nam và lực lượng quân Mỹ, đồng minh. Quân đội Mỹ và đồng minh đã tìm mọi cách từ thô sơ đến hiện đại nhất nhằm mục đích cắt đứt con đường vận tải chiến lược này.

Nhưng bằng sự mưu trí, sáng tạo, với bản lĩnh và ý chí quyết tâm vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và bộ đội Trường Sơn đã thực hiện thành công công cuộc chi viện cho chiến trường miền Nam, làm thất bại mọi âm mưu chiến lược của kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội, để lại những dấu son chói lọi trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Chính trên những cung đường huyền thoại đó, hàng chục vạn bộ đội, thanh niên xung phong cùng phương tiện ô tô, xe cơ giới, máy móc, pháo cao xạ ngày đêm đương đầu với địch trong mưa bom bão đạn, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

leftcenterrightdel
 Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (giữa) duyệt phương án vận chuyển xăng dầu cho mặt trận Tây Nguyên. Ảnh tư liệu.

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã làm tròn sứ mạng chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, cả chiến lược, chiến dịch, chiến thuật.

Bên cạnh việc góp phần vào chiến thắng của Bộ đội Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên còn nhận thức việc giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng dọc theo tuyến hành lang, vừa mang ý nghĩa quốc tế, liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc, vừa có ý nghĩa trực tiếp với việc giữ vững và phát triển tuyến chi viện chiến lược.

Chính điều này, đã góp phần tạo thế trận vững chắc cho tuyến hành lang chiến lược, góp phần không nhỏ trong chiến công của Bộ đội Trường Sơn.

leftcenterrightdel
 Tướng Đồng Sỹ Nguyên (giữa) nghe báo cáo về tình hình xăng dầu và vận tải khu vực 471.

Nhớ về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, không chỉ là nhớ về tài năng và những chiến công đi vào sử sách, mà còn là để nhớ về một vị tướng luôn trọn nghĩa trọn tình với đồng chí, đồng đội.

Ông không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, mà còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha, của các gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ phần cho người đã khuất. Hàng vạn đồng chí, đồng đội đã nằm lại trên đại ngàn Tây Trường Sơn, cần phải được tìm kiếm để mang về Tổ quốc.

leftcenterrightdel
 Tướng Đồng Sỹ Nguyên trong một lần về thăm đồng đội ở nghĩa trang Trường Sơn.

Sau Hiệp định Paris tháng 1/1973, tại Hội nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất và đưa ra bản chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn để đưa về nước.

Từ tháng 3/1973, mệnh lệnh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được triển khai trên toàn lực lượng Trường Sơn. Các đơn vị từ cấp trung đoàn, binh trạm, sư đoàn trên khắp chiến trường Trường Sơn trải dài trên địa bàn của 7 tỉnh Nam Lào đều tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ mang về đất mẹ.

Nhiệm vụ chi viện chiến trường thời kỳ này là vô cùng to lớn và khẩn trương. Việc cắt ra một lực lượng và phương tiện để làm nhiệm vụ đặc biệt này là một khó khăn rất lớn.

Nhưng việc nghĩa thì không thể dừng... Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ thị: Vì nghĩa cả, vì truyền thống, đạo lý dân tộc, bằng mọi giá Bộ đội Trường Sơn vẫn phải làm cho bằng được...

leftcenterrightdel
 Mỗi năm, nghĩa trang Trường Sơn đón hàng vạn lượt chiến sỹ, đồng bào về thăm viếng các anh hùng liệt sỹ.

Và từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã được vạch ra. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ thị cho các cơ quan chuyên môn dành thời gian để thiết kế, xây dựng Nghĩa trang. Với tầm nhìn “đi trước thời đại”, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo các nhà chuyên môn: Phải thiết kế xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trở thành một địa điểm tâm linh và văn hóa đặc biệt...

Trong thời gian này, dù phải tập trung chỉ huy chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn dành thời gian để xuyên rừng, lội bộ cùng trinh sát công binh trực tiếp tìm địa điểm đặt nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn tại Đồi Bến Tắt.

Trong không khí khẩn trương của nhiệm vụ giải phóng miền Nam, ngày 24/2/1975, nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã được Bộ Tư lệnh Trường Sơn khởi công xây dựng và hoàn thành ngày 10/4/1977.

Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất trên Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vĩ đại.

UBND tỉnh Quảng Bình đã hoàn thiện công tác tổ chức, chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023).

Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào lúc 14h ngày 24/2/2023 tại Trung tâm văn hóa và điện ảnh tỉnh Quảng Bình.

Trong chuỗi kỷ niệm, sẽ tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức trưng bày và triển lãm sách, hiện vật, hình ảnh về đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với chủ đề: "Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Cuộc đời và sự nghiệp" tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình từ ngày 15/02/2023 đến ngày 5/3/2023.

Ngoài ra, có chương trình sân khấu thực cảnh “Trở về bến phà xưa" do Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình và nhà văn Nguyễn Quang Vinh thực hiện.

 

Mẫn Phong