Thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm

Trước tình hình trên, trong năm qua, để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, nhằm đạt và vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao đã sớm ban hành Chỉ thị công tác năm 2021, trong đó, xác định rõ 4 mục tiêu lớn, 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể hóa thành 116 nhiệm vụ trong Kế hoạch công tác năm 2021 của VKSND tối cao. Đồng thời, đã ban hành 7 chỉ thị chuyên đề; trực tiếp chỉ đạo nhiều giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện mà trọng tâm là nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hành chính; tăng cường kiểm sát việc thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; triển khai thực hiện tốt công tác đặc xá; nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính và hình sự. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu người đứng đầu Viện kiểm sát các cấp phải nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của Viện kiểm sát trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; chủ động, kịp thời đề ra những biện pháp thiết thực, phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19 và tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngành Kiểm sát tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, phát huy tính gương mẫu, trách nhiệm của người Đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trong kỳ, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng toàn Ngành đã hoàn thành các cuộc thanh tra, kiểm tra. Thông qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vi phạm, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

leftcenterrightdel
Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao hai nước Việt Nam - Cuba ký Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2023. 

Về công tác tổ chức, cán bộ, ngành Kiểm sát tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả tập trung vào công tác đào tạo cán bộ với nhiều giải pháp, như: tự học, tự đào tạo, đào tạo qua phân công, giao công việc,... và nhất là việc lựa chọn người đứng đầu các cấp kiểm sát; đã sớm thành lập và đưa Phòng Giám định kỹ thuật hình sự vào hoạt động. Thực hiện việc luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ, nhằm đào tạo toàn diện cán bộ; kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, nhất là tại những đơn vị đảm nhiệm lĩnh vực công tác nhạy cảm nhằm rèn luyện thử thách cán bộ và cả yêu cầu chống trì trệ, tiêu cực trong nội bộ. Trong năm 2021, VKSND tối cao đã đề nghị và được Chủ tịch nước bổ nhiệm 5 Kiểm sát viên VKSND tối cao; điều động, bổ nhiệm, biệt phái 109 lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh; tổ chức thi tuyển, bổ nhiệm 886 Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên các ngạch.

Mặt khác, ngành Kiểm sát luôn xác định chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất của Ngành. Cùng với Chỉ thị công tác năm 2021, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành 25 quy chế, quy định, quy trình về nghiệp vụ và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nhằm thống nhất về nhận thức và hoạt động nghiệp vụ, qua đó hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2021 của toàn Ngành. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu Kiểm sát viên phải thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm; tích cực đề ra yêu cầu điều tra cả gỡ tội và buộc tội, tiến hành các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ; chấp hành nghiêm quy định về thẩm quyền điều tra; quản lý chặt chẽ các vụ án tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra; đề ra các giải pháp thiết thực để hạn chế các vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung có lỗi của Kiểm sát viên; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao tại Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát Nhân dân năm 2022. Ảnh Việt Cường.

Chủ động, tích cực trong xây dựng pháp luật

Trong công tác xây dựng pháp luật, ngành Kiểm sát đã chủ động tham gia và thực hiện những nội dung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, tập trung vào những nội dung liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Đặc biệt, đã khẩn trương xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV với tỉ lệ 93,39%. Ngay sau khi được Quốc hội thông qua, VKSND tối cao đã ban hành và thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đồng thời, đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng 13 thông tư liên tịch, 39 nghị quyết, thông tư hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự,… VKSND tối cao luôn chú trọng và yêu cầu định kỳ (tháng, quý, 6 tháng, một năm) Viện kiểm sát các cấp phải tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật để hướng dẫn, giải đáp. Trong năm 2021, toàn Ngành đã ban hành trên 1.100 văn bản hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ và nhiều văn bản trả lời thỉnh thị các vụ việc.

leftcenterrightdel
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. 

Cùng với đó, trong năm qua, ngành Kiểm sát cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; bảo đảm các điều kiện cho Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Ngành; tranh thủ sự hỗ trợ hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch chuyển đổi số của Ngành. Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện các đề án về ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2025 của Ngành. Chỉ đạo tăng cường phân cấp cho Thủ trưởng các đơn vị chủ động, linh hoạt trong điều hành dự toán, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, ban hành Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm của Chủ đầu tư trong đầu tư công và quản lý chất lượng công trình, bảo đảm sử dụng nguồn tài chính hiệu quả, đúng pháp luật.

Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế

Ngoài ra, ngành Kiểm sát cũng tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; bảo đảm công tác thi đua, khen thưởng thực chất hơn. Tiếp tục mở rộng hợp tác song phương, đa phương với Viện kiểm sát, Viện Công tố và các cơ quan tư pháp, các tổ chức quốc tế, như: Trung Quốc, Cuba, Lào, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ,…; thúc đẩy đàm phán các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự. Kết quả năm 2021, đã ký Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Nhật Bản; trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu, ngành Kiểm sát tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại bằng các hình thức phù hợp tập trung vào công tác cải cách tư pháp và đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ. Ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động, hình thức tuyên truyền về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và kết quả hoạt động của VKSND nhằm xây dựng và khơi gợi lòng tự hào và trách nhiệm của cán bộ Kiểm sát; đồng thời, giúp cho xã hội và toàn thể bộ máy chính trị hiểu và tiếp tục chia sẻ, ủng hộ Ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, tiếp tục phối hợp xây dựng các ấn phẩm có quy mô lớn tuyên truyền về Ngành, về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị về phát động phong trào thi đua năm 2021 trong toàn Ngành, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, khát vọng cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021”; tiếp tục chỉ đạo đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, bảo đảm việc khen thưởng kịp thời và thực chất hơn, tạo động lực cho công chức, viên chức, người lao động nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên tranh tụng làm rõ bản chất sự thật khách quan và chuyển biến nhận thức của các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên. 

Đồng thời, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về phòng, chống dịch. Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ công tác của Ngành, như: quản lý cơ quan qua ứng dụng mã QR, tăng cường họp trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu bảo mật...

Đáng chú ý, trong năm 2021, VKSND tối cao tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng VKSND tối cao đã tham dự phiên điều trần trực tuyến của Tòa án Singapore thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam, kết quả, đã thu hồi hơn 2,7 triệu USD.

Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác tư pháp năm 2021, trong đó có báo cáo công tác năm 2021 của ngành KSND tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao kết quả công tác năm 2021 của ngành KSND. Theo Ủy ban Tư pháp, năm 2021, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND các cấp tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn về cơ bản được thực hiện đúng pháp luật. Tỉ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh tiếp tục vượt cao so với chỉ tiêu của Quốc hội. Bên cạnh đó, VKSND đã phối hợp chặt chẽ với CQĐT trong khởi tố, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử có nhiều chuyển biến, trách nhiệm công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa được tăng cường; tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được TAND chấp nhận đều vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật. VKSND các cấp tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, các vụ án hành chính; công tác kiểm sát thi hành án của VKSND các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực…

 

Năm 2022, ngành Kiểm sát sẽ tiếp tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và nâng cao các chỉ tiêu nghiệp vụ, nhất là các chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội. Nâng cao số lượng, tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; phối hợp chặt chẽ với CQĐT nâng tỉ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm; triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường công tác phối hợp liên ngành bảo đảm tiến độ, chất lượng các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát cũng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp; nâng chất đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ;...


PV