leftcenterrightdel
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: có những bộ còn rất nhiều dòng hàng chưa cắt giảm. ảnh Nhật Bắc/VGP) 

Theo đó, các cơ quan được kiểm tra gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính là vấn đề rất quan trọng. Thủ tướng không phiên họp nào không nhắc, với rất nhiều văn bản đôn đốc, với yêu cầu đi vào hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh ngiệp, coi đây là dư địa rất quan trọng cho tăng trưởng…

Thông báo về các kết quả đạt được trong kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đầu tiên là đã đẩy mạnh quản lý rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Điển hình tiêu biểu là Bộ KH&CN đã chuyển 279/299 mặt hàng sang hậu kiểm, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Thứ hai, đã giảm cơ bản danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chồng chéo. Năm 2017, các doanh nghiệp mất 30 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho kiểm tra chuyên ngành với trên 100.000 mặt hàng phải kiểm tra, nhưng chỉ phát hiện 0,06% số lô hàng có vi phạm, tức là tỷ lệ rất thấp.

“Trước đây, có mặt hàng do 4 bộ kiểm tra, có mặt hàng do 2, 3 cơ quan trong một bộ kiểm tra, nhưng nay mỗi mặt hàng chỉ giao 1 bộ và 1 đơn vị của bộ, không còn chồng chéo như trước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết. Cùng với đó, các bộ đã ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn các mặt hàng để kiểm tra, phân cấp, công bố rất rõ, “tránh tình trạng kiểm tra không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, tức là kiểm tra mò, suy diễn, không minh bạch”.

leftcenterrightdel
Sau ngày 30/10, phải có đánh giá về đợt cải cách này  (ảnh minh họa: T.D)

Kết quả rất quan trọng là đã đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động kiểm tra, có cả các doanh nghiệp tư nhân tham gia, như Bộ NN&PTNT đã ủy quyền cho 14 đơn vị kiểm tra chất lượng phân bón, Bộ Công Thương chỉ định 11 đơn vị kiểm tra về an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu. Đây là tiến bộ lớn vì trước đây, nhiều trường hợp doanh nghiệp phải “từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam” chỉ để làm thủ tục kiểm tra.

Đáng nói, số tờ khai hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã giảm, nếu năm 2015 tỷ lệ lô hàng phải làm tờ khai lên tới 30% thì năm 2017 đã giảm còn 19,4%. “Ví dụ, khi Chính phủ ban hành Nghị định 116 về kinh doanh ô tô thì cơ quan hải quan đã rất đổi mới, vận dụng linh hoạt để 200 xe, 400 xe cũng coi là một lô hàng, còn như trước đây nếu lượng xe quá 2 con số là phải khai sang tờ khác”, Bộ trưởng cho biết.

Tổ công tác cũng thông tin, có ghi nhận 7 bộ đã vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao trong đơn giản hóa, cắt giảm các dòng hàng phải kiểm tra. Song có những bộ còn rất nhiều dòng hàng chưa cắt giảm, cần tiếp tục cắt giảm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế…

Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhắc lại thời gian qua, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế và với phương án các bộ đã trình, chúng ta sẽ cắt trên 60% các thủ tục, điều kiện kinh doanh, vượt mục tiêu đề ra là 50%.

“Nếu trước đây thủ tục kiểm tra chuyên ngành như rừng rậm, vào không biết lối ra thì nay đã có tiến bộ, được doanh nghiệp ghi nhận, các tổ chức quốc tế đều thăng hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh”, Bộ trưởng cho hay.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, còn phải quyết tâm rất mạnh mẽ mới đạt được kết quả như kỳ vọng. Kết quả kiểm tra cho thấy có nhiều bộ vượt chỉ tiêu nhưng có bộ chưa đạt chỉ tiêu. Với những bộ chưa hoàn thành, phải hoàn thiện các dự thảo nghị định để VPCP thẩm tra kỹ lưỡng, báo cáo Thủ tướng ký ban hành chậm nhất trước ngày 30/10.

Đặc biệt, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ, sau ngày 30/10, phải có đánh giá về đợt cải cách này, như cắt giảm bao nhiêu thủ tục, điều kiện, đơn giản hóa bao nhiêu, mỗi thủ tục được cắt giảm liên quan tới bao nhiêu lô hàng…, cuối cùng là tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tiền bạc cho doanh nghiệp.

Minh Nhật