Đây là một trong những nội dung Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng BCĐ điều hành giá về tình hình giá cả dịp Tết Nguyên đán và điều hành giá quý I/2020 vừa được, Văn phòng Chính phủ  thông tin. Trong đó cũng yêu cầu kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý; đáp ứng nhu cầu người dân đối với các vật tư tiêu dùng phục vụ phòng chống dịch nCoV như khẩu trang, nước sát khuẩn tay.

leftcenterrightdel
 Giá thịt lợn tăng cao là nguyên nhân làm cho chỉ số CPI tháng 1/2020 tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây (ảnh minh họa: Minh Nhật)

Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, mặt bằng giá cả thị trường được bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá và biến động giá bất thường. Tuy nhiên,  tình hình mặt bằng giá ngay từ đầu năm đã có những diễn biến mới, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2020 tăng khá cao ở mức 1,23%, là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây.

Nguyên nhân đặc biệt là do những tác động từ nhóm mặt hàng ăn uống ngoài gia đình, giao thông và giá thịt lợn, trong đó riêng giá thịt lợn tăng 8,29% so với tháng 12/2019 và vẫn đứng ở mức rất cao đã tác động nhiều vào CPI tháng 1.

Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona  nên giá của một số mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn tay… trên thị trường hiện đang có diễn biến phức tạp. Với nền CPI tháng 1 đã tăng cao và tác động diễn biến của dịch nCoV đang gây áp lực lớn lên công tác điều hành giá của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Trước những khó khăn thách thức trong công tác điều hành giá ngay từ đầu năm 2020, Ban chỉ đạo điều hành giá vẫn quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý và dần xuống mức bình thường như trước khi có dịch trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, công khai minh bạch chi phí, giá thành, giá bán; đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, khâu lưu thông, phân phối và người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp thao túng giá, đầu cơ, trục lợi.

Đối với dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona, yêu cầu Bộ Y tế cần sớm có báo cáo về nguồn cung, năng lực sản xuất, nhu cầu sử dụng và các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, khách quốc tế và các hỗ trợ cần thiết khác trong phòng chống dịch.

Lực lượng quản lý thị trường các cấp, cơ quan thanh tra tài chính và các cơ quan chức năng khác kiểm tra trên phạm vi toàn quốc và xử phạt nghiêm các trường hợp không niêm yết giá, không bán đúng giá niêm yết và các hành vi vi phạm khác…

Minh Nhật