leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 14/6.

Cần đảm bảo tính bao quát của các hành vi bạo lực gia đình

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Hà Thị Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo tính bao quát của các hành vi bạo lực gia đình theo các dạng bạo lực về thể chất, về tinh thần, về tình dục, về kinh tế và bổ sung thêm các hành vi như là cưỡng ép hoặc ngăn cản việc sử dụng các biện pháp tránh thai trái ý muốn hay cưỡng ép sinh đẻ nhiều, cưỡng ép mang thai hộ trái luật hoặc là các hành vi gián tiếp như bao che, dung túng, cổ vũ hành vi bạo lực gia đình.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát và xác định rõ hơn nhằm đảm bảo sự tương xứng giữa hành vi bạo lực gia đình với các biện pháp xử lý được quy định trong Luật.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Hà Thị Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Ngoài ra, đại biểu cũng đồng tình với một số ý kiến phát biểu trước, đó là không nên để sót các trường hợp bạo lực gia đình, đặc biệt là đối với con riêng của vợ chồng hoặc những người đang chung sống với nhau như vợ chồng.

Đại biểu Hà Thị Nga đề nghị tại Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật bổ sung thành viên gia đình của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng cũng là đối tượng áp dụng quy định nếu có hành vi bạo lực gia đình. Nếu như chỉ quy định như dự thảo Luật thì dường như chưa bao gồm những đối tượng này…

Một số quy định trong dự thảo Luật còn chưa khả thi

Tranh luận với các đại biểu đã phát biểu tại phiên thảo luận, đồng tình với quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 33 "khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc", đại biểu Nguyễn Thanh Sang – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình với quy định trong dự thảo Luật nhưng áp dụng trong thực tiễn khó khả thi.

Bởi việc được lựa chọn quyền ở nhà trong khi người cha là chủ hộ thì việc giải quyết đối với người chồng như thế nào? Nếu quy định vẫn ở chung một nhà là không phù hợp. Đại biểu đề xuất cần thiết kế một nơi để những người có hành vi bạo lực nhận thấy trách nhiệm với hành vi bạo lực của mình.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thanh Sang – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh.

Vấn đề thứ hai, khoản 5 Điều 33, người bị cấm tiếp xúc giữ khoảng cách với người bị bạo lực 50m, đại biểu cho rằng quy định như vậy không khả thi, bởi có những gia đình ở trọ trong ngôi nhà khoảng hơn 10m2, nếu áp dụng quy định này không phù hợp. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật phải thiết kế lại theo hướng quy định phải đi liền với tính khả thi.

Ngoài ra, về quy định người giám hộ, đại biểu  Nguyễn Thanh Sang nêu trường hợp trong gia đình người vợ đồng lòng với chồng ngược đãi con cái, như vậy người vợ không còn đủ tư cách giám hộ, đại biểu đề nghị khi soạn thảo cần phải tính đến những trường hợp này…

Có nên lập cơ sở tạm giữ người bạo lực gia đình?

Phát biểu tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, một số nội dung trong dự thảo Luật còn chưa hợp lý, chưa đảm bảo tính khả thi.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Với 17 quy định cấm bạo lực, đại biểu cho rằng cần rà soát lại cụ thể, rõ ràng, tránh những bất cập trong ứng dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng việc lập cơ sở tạm giữ người bạo lực gia đình là không khả thi, không hợp lý, nếu không thực hiện khéo léo có thể dẫn đến vi phạm quyền con người.

Ngoài ra, Điều 56 của dự thảo Luật quy định hàng năm, Chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện đối thoại với người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình. Đại biểu cho rằng quy định này là không khả thi, không cần thiết, gây bất cập trong việc triển khai áp dụng Luật vào thực tiễn.

Xây dựng Luật theo hướng phát huy truyền thống văn hóa của gia đình Việt Nam

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, phong phú, thực tiễn và khoa học của các đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời đó là một cơ sở chính trị để cho đại biểu nghiên cứu, nhưng cũng còn các cơ sở pháp lý khác rất quan trọng quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình tại phiên thảo luận.

Dự thảo Luật được xây dựng để phát huy truyền thống văn hóa của gia đình trên cơ sở thuần phong mỹ tục của người Việt Nam ta, không thể rập khuôn máy móc, sao chép các luật của quốc gia khác mà phải biết kế thừa, phát huy những giá trị này để phòng chống, để giữ được gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.

Đối với nhóm vấn đề về hành vi bạo lực gia đình, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật trình lần này đã phân loại ra 4 nhóm lĩnh vực về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trên cơ sở góp ý của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nhận diện và kiểm định đầy đủ các hành vi này. 

Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề thực hiện hòa giải, quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh truyền thông… để hoàn thiện dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất...

Vũ Cảnh