leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 24/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Giải thích cụm từ “mua bán người” trong dự thảo Luật chưa được rõ

Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, dự thảo Luật đã có nhiều nội dung bám sát tình hình thực tế trong hoạt động phòng, chống mua bán người ở nước ta; đồng thời nội luật hóa quy định của các Công ước quốc tế…

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, khoản 1, Điều 2 của dự thảo Luật giải thích cụm từ “mua bán người” chưa được rõ và cần phải được thiết kế lại.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đại biểu, hành vi mua bán người phải được hiểu là việc trao đổi bằng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để lấy người. Đại biểu cho rằng, nếu không vì mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác thì không thể coi là hành vi mua bán người vì không có sự trao đổi. Đó chỉ là hành vi chiếm đoạt người vì những mục đích vô nhân đạo. Do vậy, theo đại biểu, cần phải giải thích lại rõ hơn.

 Đại biểu đề nghị thiết kế lại khoản 1, Điều 2 theo hướng mua bán người là việc trao đổi người để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào thông qua việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm đưa họ vào con đường bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng các thủ đoạn khác nhau được quy định tại Khoản 8 của Điều này.

Cần bổ sung hành vi lợi dụng nhận con nuôi vào mục đích mua bán người

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khoản 1 của Điều 2 của dự thảo Luật giải thích khái niệm mua bán người nhưng đại biểu cho rằng, cần làm rõ thêm các hành vi mua bán người như: Lợi dụng nhận con nuôi vào mục đích mua bán người; Việc tuyển mộ lính đánh thuê, quy định tại Điều 424 Bộ luật Hình sự năm 2015; Hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để ép buộc làm vợ, ép buộc sinh con trái ý muốn của nạn nhân, hoặc ép buộc thực hiện các hành vi khác như: vận chuyển ma túy, hàng cấm qua biên giới; Hành vi tuyển mộ, lừa gạt, mời gọi, đe dọa, dụ dỗ để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền, lấy cắp thông tin… 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, theo đại biểu, khoản 1 quy định “việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi… là hành vi mua bán người”. Tuy nhiên, Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi… là hành vi mua bán người. Để tương thích với Bộ luật Hình sự, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị nghiên cứu thêm về quy định này.

Cùng với đó, tại khoản 5 quy định về nạn nhân là người bị xâm hại bởi các hành vi quy định tại khoản 1,2,3 và 4 Điều này và được cơ quan có thẩm quyền xác định. Theo đại biểu, quy định như vậy còn sót nhóm đối tượng, đó là trẻ em được sinh ra trong quá trình mẹ bị lừa gạt bán ra nước ngoài. Nhóm trẻ này được sinh ra từ nạn nhân mua bán người nên cần được xác định là nạn nhân và cần được bảo vệ quyền lợi; đồng thời cũng phù hợp với khoản 3 Điều 37 của dự án Luật.

Dự thảo Luật mới chỉ liệt kê một số thủ đoạn phổ biến

Qua nghiên cứu khái niệm mua bán người và có tham khảo các Nghị định thư về về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, Nghị định thư đã liệt kê rất đầy đủ các hành vi, thủ đoạn, mua, bán người. Trong khi đó, dự thảo Luật mới chỉ liệt kê một số thủ đoạn phổ biến.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu kiến nghị, đối với các hành vi đã rõ như: sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm; nô lệ tình dục, hiến tạng, hành vi bắt cóc, cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê; đầu độc nạn nhân, buộc nạn nhân phải đi ăn xin… cần được bổ sung vào khái niệm mua bán người để được đảm bảo bao quát hơn. Trong thực tế có rất nhiều hành vi biến tướng, núp bóng dưới nhiều hình thức, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Do đó, cần nhận diện để làm rõ các yếu tố phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn. 

Bên cạnh đó, trong từng các điều, khoản luật cụ thể cần chú ý các quy định pháp luật nhằm làm rõ nội hàm về phòng ngừa, ngăn chặn; đồng thời rà soát các quy định pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật cho chặt chẽ và đồng bộ. Trong đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu cần có các quy định nhằm hạn chế thấp nhất việc lợi dụng, núp bóng những việc nhân văn, tốt đẹp nhưng thực chất đằng sau lại là thực hiện các hành vi mua, bán người…

Quy định cần bao quát được hết các hành vi mua bán người

Cùng quan tâm tới một số nội dung liên quan tới khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐQBH tỉnh Đắk Nông cho biết, quy định trên đã liệt kê các hành vi cụ thể của mua bán người với các động cơ và mục đích khác nhau. Quy định như vậy là dễ hiểu, dễ áp dụng khi triển khai thực hiện.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐQBH tỉnh Đắk Nông phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định trên vẫn không bao hàm hết các hành vi, mục đích nên cần tiếp tục rà soát, bổ sung để đảm bảo đầy đủ; ví dụ như hành vi hoán đổi người giữa các cơ sở giải trí, các khu lao động… khi họ có nhu cầu mà những người này là nạn nhân của mua bán người trước đó. 

Đề cập đến trường hợp việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người, ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn trên, đại biểu nhận thấy, quy định người dưới 18 tuổi cơ bản phù hợp, tuy nhiên, cần xét đến khía cạnh đối tượng tham gia hành vi mua bán người là một tội phạm, mà theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có hai tội là tội mua bán người (Điều 150) và tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151).

Như vậy, theo đại biểu, Bộ luật Hình sự đã có những quy định cụ thể đối với loại tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi. Đại biểu đề nghị cần rà soát, điều chỉnh quy định này nhằm đảm bảo thống nhất để áp dụng thi hành trong thực tiễn xử lý tội phạm mua bán người. Đồng thời, cần nghiên cứu thống nhất độ tuổi trẻ em giữa các Luật Trẻ em, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự...

Sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được ban hành sẽ là một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, đặc biệt kiềm chế gia tăng tội phạm buôn bán người, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình tại phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, có những ý kiến đóng góp sâu sắc đối với dự án Luật khi thảo luận tại tổ và tại hội trường. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thiện dự thảo Luật.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội, nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo Luật về các khái niệm mua bán người, nạn nhân, chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, về phòng ngừa mua bán người, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Bộ trưởng Bộ Công an mong muốn, trong thời gian tới, các tổ chức chính trị xã hội, các đại biểu Quốc hội và nhân dân tiếp tục quan tâm, cho ý kiến với dự án Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp cùng cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Lấy thêm ý kiến chuyên gia để làm rõ hơn các nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận có 24 ý kiến phát biểu, các ý kiến của đại biểu Quốc hội ngắn gọn đi thẳng vào các vấn đề trọng tâm. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi luật và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thẳng thắn, tâm huyết, thiết thực. 

leftcenterrightdel
  Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã phân tích, đánh giá sâu sắc thực tiễn tình hình, những tồn tại, vướng mắc và đề xuất phương án chỉnh lý hoàn thiện nhiều nội dung, nhiều điều khoản của dự thảo luật cả về kết cấu, khái niệm, thuật ngữ, nội dung, văn phong và kỹ thuật lập pháp. Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt cơ quan soạn thảo đã phát biểu ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngay sau phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và có báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội; gửi các cơ quan để nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia để trao đổi làm rõ thêm các nội dung thảo luận, nhất là các vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm phát biểu ý kiến.

Trên cơ sở đó, hoàn thiện dự thảo luật và Báo cáo tiếp thu giải trình để trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách; sau đó tiếp tục hoàn thiện dự thảo gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Diên Hồng