Quốc hội đã họp phiên trù bị, thảo luận, thông qua Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7.

Kỳ họp thứ 7 dự kiến sẽ dành 60% tổng thời gian cho công tác lập pháp - chức năng quan trọng của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Trong đó, Quốc hội thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.

Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Việc xem xét báo cáo này sẽ được kết hợp thảo luận với các nội dung về: Việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; xem xét, quyết định việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.

Quốc hội nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày, tiến hành theo quy định chất vấn theo nhóm vấn đề, được lựa chọn dựa trên ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV dự kiến họp phiên bế mạc vào ngày 14/6/2019.

* Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri của MTTQ Việt Nam cho thấy nhân dân vui mừng phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế xã hội của đất nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Đồng thời, cử tri bày tỏ bức xúc và lo lắng trước tình hình mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện; xuất hiện nhiều hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong xã hội; tình hình mua bán, vận chuyển ma túy diễn biến phức tạp; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng tăng mạnh trong thời gian ngắn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

leftcenterrightdel
 Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo chí về Kỳ họp thứ 7.

Báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: cử tri lo lắng về các vụ "bạo lực học đường" liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi; sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường và thiếu quyết liệt trong xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng gây bức xúc trong nhân dân.

Đối với các vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, cử tri hoan nghênh cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, đề nghị sớm xử lý nghiêm và công khai các đối tượng có liên quan đến vi phạm, nhất là đối với những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thống nhất cách xử lý đối với các thí sinh gian lận điểm thi, bảo đảm công bằng xã hội.

"Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, khắc phục triệt để những hạn chế trong tổ chức thi của các năm trước, trước hết là những "lỗ hổng" trong quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, ngăn chặn kịp thời gian lận trong thi cử của năm học 2019-2020" - ông Mẫn nói.

Thông qua các cuộc tiếp xúc với ĐBQH và MTTQ Việt Nam các cấp trước kỳ họp Quốc hội, cử tri hết sức lo lắng trước tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian qua, làm chết nhiều người, đặc biệt là tệ nạn lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy.

Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp kịp thời, mạnh mẽ, tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập trong quy định xử lý vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, tổ chức giao thông./.

Xuân Hưng