Sáng 9/8, ngày đầu tuần, nhiều người tham gia giao thông tại Hà Nội khi qua chốt kiểm soát dịch phải dừng chờ, thậm chí, nhích từng mét chờ được “thông chốt” tại một số chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên các tuyến phố lớn đông người qua lại.

Từng phương tiện chen chúc nhau, đặc biệt là xe máy chờ đến lượt qua chốt kiểm soát dịch rất vất vả. Đó là cảnh tượng thực tế khiến không ít người lo ngại vấn đề lây lan dịch bệnh khi khoảng cách giữa các phương tiện không đảm bảo. Trong khi đó, những người đi xe máy gần như chỉ có khẩu trang là thứ duy nhất để giúp họ ngăn SARS-CoV-2 xâm nhập.  

Ai cũng mong đến lượt mình được kiểm tra Giấy đi đường để nhanh chóng qua chốt, bởi vậy, quy định giữ khoảng cách 2m đã bị phá vỡ.

leftcenterrightdel
 Nhiều phương tiện qua chốt tại Hà Nội phải dừng chờ kiểm tra Giấy đi đường. Ảnh: Lâm Hoài. 

Đó là mới một loại giấy người dân phải chuẩn bị khi ra đường. Vậy trong ngày mai khi Hà Nội bắt buộc người ra đường phải có thêm nhiều loại giấy tờ nữa theo quy định mới của thành phố thì tại các chốt kiểm soát dịch ùn ứ và mất bao thời gian?! 

Vào tối 8/8, UBND TP Hà Nội ban hành công văn hỏa tốc về việc siết chặt việc cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Việc Hà Nội ban hành công văn yêu cầu người dân ra đường ngoài giấy đi đường theo quy định cần thêm nhiều loại giấy tờ được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng người dân ra đường vẫn đông, không thực hiện nghiêm việc giãn cách, ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Để siết chặt công tác cấp và sử dụng giấy đi đường, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND TP Hà Nội yêu cầu người ra đường ngoài mẫu giấy đi đường theo Công văn số 2434 sẽ cần phải thêm một số loại giấy tờ nữa gồm: Căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Đáng chú ý, theo Văn bản 2562 của UBND TP Hà Nội, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn, cụ thể như sau: Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố; phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo).

Như vậy, các doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn nào sẽ phải xin xác nhận vào Giấy đi đường tại phường, xã đó.

leftcenterrightdel
Các phương tiện chen chúc nhau qua chốt kiểm dịch tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh An.  

Sáng 9/8, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã viết trên trang cá nhân nêu ra thực tế một số vấn đề bất cập: “Hiện nay đã xuất hiện một số trường hợp ngay tại chốt kiểm tra ùn ứ, và nguy hiểm hơn người giữ chốt lại là F0”.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cũng khuyến cáo người dân qua chốt cần giữ khoảng cách 2m: “Vậy người dân thông minh - tự giác tuân thủ, bằng các thông tin hướng dẫn ta tuân thủ tốt sẵn sàng các giấy tờ, đứng xa người giữ chốt 2m, không cho người giữ chốt sờ vào giấy tờ của mình - người đó có thể là F0.

Người giữ chốt hiểu biết - việc đứng sát và sờ vào giấy tờ của người dân có thể lây nhiễm cho họ và lây nhiễm cho mình”.

Sáng nay, ngày đầu tuần, tại một số chốt kiểm soát dịch tại Hà Nội xảy ra tình trạng ùn ứ, nhiều phương tiện chen nhau qua chốt kiểm soát dịch. Thay vì giãn cách xã hội, nhiều người lại gần nhau hơn khi qua các chốt kiểm soát dịch.

Yêu cầu của Hà Nội về việc người dân ra đường phải có thêm một số loại giấy tờ khác ngoài giấy đi đường được ban hành vào đúng ngày cuối tuần nên lực lượng chức năng tại các chốt chỉ kiểm tra Giấy đi đường cũ.

Lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở người tham gia giao thông từ ngày mai 10/8 phải chuẩn bị các loại giấy tờ theo quy định mới của thành phố.

leftcenterrightdel
 Chốt kiểm soát dịch trên đường Nguyễn Chí Thanh ùn ứ các phương tiện khi qua chốt. 

Trao đổi với Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Hải Đăng, Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, ngay từ đầu giờ sáng, UBND phường đã tiếp nhận đề nghị xác nhận Giấy đi đường theo quy định mới của thành phố của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.

Để thực hiện giãn cách, tránh tiếp xúc theo quy định, UBND phường bố trí một thùng giấy có hướng dẫn để các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan trên địa bàn đến đề nghị xác nhận Giấy đi đường để vào đó.

Ngay trong ngày, UBND phường đã xác nhận giấy đi đường cho các đơn vị theo quy định mới của Thành phố.

Lãnh đạo phường Trung Hòa cũng cho biết, UBND phường cũng gặp khó khăn khi tiếp nhận và xác nhận Giấy đi đường mới theo quy định của thành phố vì thiếu hướng dẫn.

Còn một Chủ tịch UBND phường trên địa bàn quận Hà Đông cho biết, sáng nay, phường cũng nhận được đề nghị của một số doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn về việc xác nhận giấy đi đường theo quy định mới của UBND thành phố.

Vị lãnh đạo phường này cũng cho biết, phường sẽ phải rà soát xem doanh nghiệp, đơn vị nào được phép hoạt động mới tiến hành xác nhận giấy đi đường và số lượng được cấp cũng có hạn chứ không phải họ xin bao nhiêu, mình xác nhận bấy nhiêu.

Đối với doanh nghiệp không được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội, phường chỉ xác nhận giấy đi đường cho nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại đơn vị.

Sau khi Hà Nội có công văn siết chặt giấy đi đường, UBND quận Hai Bà Trưng cũng ra văn bản gửi các phường để hướng dẫn xác nhận giấy đi đường cho các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.  

Theo đó, để cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị lưu thông thuận tiện đề nghị đơn vị gửi văn bản kèm danh sách người lao động, giấy đi đường của từng cá nhân của đơn vị mình tới UBND phường nơi đặt trụ sở để xem xét, phê duyệt đúng đối tượng khi tham gia thông.

UBND quận Hai Bà Trưng cũng giao Chủ tịch UBND phường chỉ đạo triển khai; tiếp nhận đăng ký, quản lý danh sách của đơn vị xem xét, phê duyệt giấy đi đường của từng cá nhân đảm bảo đúng đối tượng được làm việc.

Hình thức phê duyệt: Ký xác nhận, đóng dấu vào góc dưới bên trái Giấy đi đường.

Chia sẻ với Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, không ít chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại khi người dân tham gia giao thông tại Hà Nội qua chốt kiểm soát dịch phải xuất trình nhiều giấy tờ như yêu cầu mới sẽ rất mất thời gian.

Như vậy, việc dồn ứ phương tiện tại các chốt này là khó tránh, đặc biệt tại các tuyến phố lớn có đông người qua lại. Điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao, nếu có trường hợp F0.

Hơn nữa, nhìn lượng phương tiện là xe máy dừng chờ qua chốt kiểm soát dịch san sát nhau sẽ khó đảm bảo quy định về giãn cách, trái với khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Hà Nội yêu cầu người dân không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 2m thì việc người dân lưu thông qua chốt kiểm soát dịch hiện nay chưa đảm bảo theo quy định.

 

Vũ Phương - Hồng Nguyên