leftcenterrightdel
 Việc quản lý thuốc lá thế hệ mới sẽ tránh hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng.

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 58/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với quan điểm, ngăn ngừa bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên hoặc trẻ vị thành niên bán thuốc lá theo Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới và ngăn ngừa việc hút thuốc lá trong cộng đồng.

Trong những năm vừa qua, các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là cơ quan y tế đã nỗ lực và để lại nhiều thành tích đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, giảm tỉ lệ hút thuốc ở nam và nữ, giảm tỷ lệ người hút mới. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, hàng loạt các sản phẩm thuốc lá mới đã xuất hiện như shisha, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá ngậm...

“Cơ quan quản lý cần có trách nhiệm trong việc kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới. Nếu chỉ vì quản lý thuốc lá điện tử không được, rồi cấm lây cả thuốc lá làm nóng thì không đúng. Do vậy, cần có chính sách điều chỉnh kịp thời.”- bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam cho hay. 

Những sản phẩm này đã đặt ra thách thức cho nhà quản lý không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Để việc quản lý các sản phẩm này đầy đủ và toàn diện, việc hiểu rõ cơ chế của từng sản phẩm là cần thiết. Trong khi đó, hiện nay, chúng ta vẫn chưa đạt được sự thống nhất về quan điểm đối với việc quản lý thuốc lá thế hệ mới. Hiện nay, Bộ Công thương đề nghị đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý theo văn bản dưới Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là Nghị định 67 sửa đổi về kinh doanh thuốc lá (trong đó áp dụng hình thức thí điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng). Trong khi đó, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới để bảo vệ sức khỏe người dân.

Tại Hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 5/7, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chia sẻ: “Theo khuyến nghị của WHO, thuốc lá làm nóng cần quản lý theo luật hiện hành đang áp dụng cho thuốc lá điếu thông thường. Đó là Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012. Xét trên góc độ luật trong nước, luật cũng đã nêu rõ đối với các sản phẩm chứa thuốc lá thì cần chịu sự kiểm soát dưới luật. Ngoài Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012, còn có Luật Đầu tư 2020, Nghị định 67/2013 làm căn cứ pháp lý phục vụ cho việc quản lý thuốc lá làm nóng.”

leftcenterrightdel
Theo ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, chúng ta đã có một số luật để làm căn cứ pháp lý phục vụ cho việc quản lý thuốc lá làm nóng.

Chia sẻ về tiến độ áp dụng hàng lang pháp lý phù hợp cho các sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, đại diện Cục Công Nghiệp, Bộ Công thương cho hay, từ năm 2018-2019, Bộ Công thương đã hoàn thiện đề tài nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý đối với mặt hàng này. Cụ thể, Bộ dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới, trên cơ sở tiếp tục trao đổi để thống nhất với Bộ Y tế về dự thảo Nghị định 67 sửa đổi về kinh doanh thuốc lá, đề xuất quản lý thuốc lá làm nóng theo luật hiện hành như khuyến nghị của WHO. Đối với thuốc lá điện tử do tính chất đa dạng về sản phẩm có thể có hoặc không có nicotine, cũng như không có nguyên liệu thuốc lá nên sẽ cần thẩm định về tính pháp lý trước khi thống nhất phương án kiểm soát phù hợp.

Trong các năm 2020 và 2021, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng tại Công văn số 728/BCT-CN năm 2020 và Tờ trình số 5200/TTr-BCT năm 2021. Trong quá trình xây dựng và đề xuất chính sách, Bộ đã lấy ý kiến từ các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp đều đồng ý và thống nhất nên cần một hành lang pháp lý đối với thuốc lá thế hệ mới nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết và có cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng đã đưa ra đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá. Cụ thể, cơ quan quản lý cần có trách nhiệm trong việc kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới. Nếu chỉ vì quản lý thuốc lá điện tử không được, rồi cấm lây cả thuốc lá làm nóng thì không đúng. Do vậy cần có chính sách điều chỉnh kịp thời. Để dự phòng quy định về thuế TTĐB  định hướng tiêu dùng, góp phần giảm việc tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe cân nhắc đưa các sản phẩm thuốc lá thuộc nhóm thuốc lá mới – dù thí điểm hay chính thức – vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Việc đặt các sản phẩm thuốc lá mới vào khuôn khổ quy định phù hợp cũng giúp đảm bảo người dùng được tiếp cận với những sản phẩm chính danh, được kiểm soát chất lượng, tránh hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, cũng như thành phần bên trong sản phẩm.

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng ban Pháp chế đào tạo, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết, phần lớn các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được đưa vào thị trường nội địa dưới hình thức xách tay hoặc nhập lậu, không được phân phối chính hãng và đang tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây. Điều này dẫn đến một số hệ lụy như: Do không rõ nguồn gốc xuất xứ nên người tiêu dùng phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin do người bán cung cấp, không có đơn vị chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố; thất thu thuế; các khó khăn, vướng mắc khi bắt giữ các vụ buôn lậu thuốc lá thế hệ mới…Từ đó, ông Nhân đề xuất, Chính phủ sớm ban hành các chính sách quản lý phù hợp, thị trưởng hiện nay mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, tuy nhiên, với sự tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây thì việc chậm ban hành chính sách sẽ càng khó khăn hơn trong việc quản lý…

 

Minh Nhật