|
|
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Vì sao dư luận băn khoăn?
Ngày 29/9/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT (có hiệu lực từ ngày 05/12/2017) qui định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định qui định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Tại Khoản 5 – Điều 6 của Thông tư này qui định sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT (ngày 19/5/2014 quy định về GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) có hướng dẫn thêm: “Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với …(ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”. Nội dung này đã gây băn khoăn, dư luận trái chiều bởi nếu ghi đầy đủ tên các thành viên trong hộ gia đình sẽ gặp khó khăn trong việc mua bán chuyển nhượng, làm rắc rối thêm các thủ tục hành chính.
Trước những băn khoăn đó, mới đây, Bộ TN&MT khẳng định: Qui định sửa đổi, bổ sung nêu trên tại Thông tư số 33 có đối tượng điều chỉnh là “Hộ gia đình” trong quan hệ pháp luật đất đai. Qui định này thống nhất với các qui định trong hệ thống văn bản pháp luật đất đai hiện hành. “Hộ gia đình” là chủ thể được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất như quy định tại Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 và không trái với qui định tại Khoản 1 Điều 101 Bộ luật Dân sự 2015: “Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo qui định của Luật Đất đai”.
Chủ thể “Hộ gia đình” trong quan hệ pháp luật đất đai được xác định tại Khoản 29- Điều 3 Luật Đất đai năm 2013: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo qui định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất”. Theo phạm vi điều chỉnh của qui định mới tại Thông tư 33 nêu trên, không làm xáo trộn việc ghi tên cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như từ trước đến nay vẫn tiến hành đối với chủ thể “Cá nhân”, “Hai cá nhân” (chồng và vợ) hoặc “Nhiều cá nhân” v.v… có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, vì các qui định tại Điểm a, b, d, đ, e, g, h, i thuộc Khoản I- Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ TN&MT vẫn còn nguyên giá trị thực hiện.
Song, thiết nghĩ Thông tư cần nói rõ là không điều chỉnh ghi thêm thành viên hộ gia đình đối với đất, nhà ở, tài sản trên đất thuộc sở hữu của cá nhân hoặc của chung hai vợ chồng để tránh hoang mang khi thông tin chưa đầy đủ.
Cần rõ ràng, thực tế hơn
Như nêu trên, “hộ gia đình” là một trong những chủ thể được Luật định trong quan hệ pháp luật đất đai. Vấn đề cần được làm rõ và hướng dẫn cụ thể là chủ thể “Hộ gia đình” trong thực tế được giao đất, sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất theo Luật Đất đai năm 2013. Tuy tại Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 đã xác định chủ thể sử dụng đất trong quan hệ pháp luật đất đai có “Hộ gia đình”, nhưng những vấn đề mấu chốt về “Hộ gia đình” theo qui định trên trong sử dụng đất phải cần làm rõ là: Phạm vi về quan hệ “huyết thống, nuôi dưỡng”; “đang sống chung”; cùng “có quyền sử dụng đất chung” và tại “thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận quyền sử dụng đất”.
Đồng thời, những vấn đề cần dẫn dụ rõ qua thực tế, hướng dẫn cụ thể: chủ thể “Hộ gia đình” được giao đất, cho thuê đất trong thực tế khi thi hành Luật Đất đai qua các thời kỳ (như: hộ gia đình được nhà nước giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng trang trại….). Việc giao đất ở không thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp trong thực tế như: Giao nhà ở, giao đất làm nhà ở diện tình nghĩa, chính sách; giao đất, giao nhà diện chính sách xã hội và trường hợp mất hết đất ở do thiên tai…
Thực tế, trong quan hệ giao dịch dân sự về đất ở, nhà ở thường ít xảy ra chung cho cả hộ gia đình, mà chỉ có chồng và vợ; hoặc một cá nhân, hai hay nhiều cá nhân góp chung vốn. Nếu không hướng dẫn rõ hơn, dễ dẫn đến cách hiểu khác nhau.
Mặt khác, “quyền sở hữu tài sản” như: nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất... thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự. Trong hướng dẫn cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở kèm tài sản gắn liền với đất cho chủ thể “Hộ gia đình” cần lưu ý tương thích với các qui định tại Bộ Luật dân sự và qui định tại Khoản 5 –Điều 7 Luật Đất đai hiện hành về vai trò, trách nhiệm của “Chủ hộ gia đình”.
Thiết nghĩ, giá như có qui định hướng dẫn rõ các điểm mấu chốt tại Khoản 29- Điều 3 Luật Đất đai 2013 qua thực tế thi hành Luật Đất đai về phạm vi, đối tượng thuộc chủ thể “Hộ gia đình” trong quan hệ pháp luật đất đai chắc chắn đã không có những hoang mang, hiểu lầm trong dân như những ngày vừa qua.
Quang Cơ