    |
 |
Quang cảnh phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/7. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Tiếp tục chương trình của Phiên họp thứ 47, chiều 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo tóm tắt một số nội dung về tổng kết Kỳ họp thứ 9 và bước đầu chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 9 - thành công mang ý nghĩa lịch sử
Trình bày báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Kỳ họp thứ 9 đã kết thúc thành công tốt đẹp, hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn trên cả ba lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Kỳ họp này được đánh giá có ý nghĩa lịch sử quan trọng, kịp thời thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
    |
 |
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày báo cáo. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nhấn mạnh, kết quả nổi bật và thành công của Kỳ họp là minh chứng rõ nét khẳng định ý Đảng hợp với lòng dân và phù hợp với yêu cầu cấp thiết có tính tất yếu khách quan của thực tiễn đất nước; tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; vai trò, trách nhiệm cao của Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ;
Cùng với đó là sự quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng nội dung của Kỳ họp; sự tâm huyết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội; sự tham gia, đưa tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, khách quan diễn biến và kết quả Kỳ họp của các cơ quan thông tấn, báo chí ở cả Trung ương và địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành Kỳ họp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Kỳ họp này vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: có nhiều nội dung phát sinh, liên tục bổ sung trong thời gian diễn ra Kỳ họp nên chương trình thường xuyên phải thay đổi, điều chỉnh; một số nội dung được đề nghị bổ sung trong thời gian rất gấp, một số nội dung phải điều chỉnh thời gian tiến hành nhiều lần; có nội dung áp dụng quy trình theo quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến quá trình thực hiện có nơi, có lúc chưa thực sự thông suốt; một số phiên họp toàn thể còn nhiều đại biểu vắng mặt…
    |
 |
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Để phát huy kết quả và chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ họp tiếp theo, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo: tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương; chủ động rà soát, chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, đảm bảo tài liệu kịp thời và chất lượng. Đồng thời, cần khẩn trương tổ chức triển khai các luật, nghị quyết mới thông qua, tổng kết công tác nhiệm kỳ, và tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền.
Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 19 dự án luật tại Kỳ họp thứ 10
Về nội dung Kỳ họp thứ 10, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 19 dự án luật và cho ý kiến về 2 dự án luật khác.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2021-2026; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề và các vấn đề quan trọng khác.
Chính phủ cũng đã đề nghị bổ sung thêm nhiều dự án khác vào Chương trình lập pháp năm 2025, và Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sẽ điều chỉnh dự kiến nội dung theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
    |
 |
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Về một số nội dung khác, Văn phòng Quốc hội báo cáo như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện các dự án này tại kỳ họp cuối năm. Tuy nhiên, do các nghị quyết vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chưa báo cáo tình hình thực hiện các dự tại Kỳ họp thứ 10 mà sẽ bắt đầu báo cáo từ kỳ họp cuối năm 2026.
Thứ hai, đề nghị các cơ quan nghiên cứu, sớm có đề xuất cụ thể để thực hiện quy định tại Nghị quyết số 227 về Kỳ họp thứ 9, trong đó, giao Chính phủ nghiên cứu, sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Bình đẳng giới; sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến việc miễn thị thực cho người nước ngoài, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thứ ba, về một số nội dung cấp có thẩm quyền đề nghị các cơ quan sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các luật đã được nêu cụ thể trong Báo cáo: đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, rà soát các nội dung chưa trình Quốc hội xem xét, thông qua theo chỉ đạo, thông tin cụ thể đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2025.
Thứ tư, về việc xây dựng Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các báo cáo công tác hằng năm của các cơ quan, Văn phòng Quốc hội báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 phương án:
Phương án 1: Các cơ quan chỉ xây dựng Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó, có nội dung về công tác năm 2025 và các công tác khác theo yêu cầu tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phương án 2: Các cơ quan chuẩn bị 2 loại báo cáo, gồm: báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2021 – 2026 và báo cáo công tác năm 2025 (trong đó lồng ghép báo cáo một số nội dung theo yêu cầu).
Dự kiến thời gian họp: Văn phòng Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 10 theo 2 đợt (thời gian nghỉ giữa 2 đợt họp khoảng từ 7 - 9 ngày) và dự kiến Kỳ họp diễn ra trong khoảng 1,5 tháng với 30 ngày làm việc, trong đó: Đợt 1 kéo dài khoảng 20 ngày; Đợt 2 kéo dài khoảng 10 ngày.
Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10, đề nghị UBTVQH quan tâm chỉ đạo:
Các cơ quan chủ động rà soát đầy đủ các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp; hạn chế đề nghị bổ sung, điều chỉnh chương trình trong thời gian diễn ra Kỳ họp; chỉ đạo hoàn thiện sớm tài liệu bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Đề nghị các cơ quan chủ trì khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý, tổ chức thẩm tra các dự án luật, nghị quyết, bảo đảm tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, đề xuất những nội dung, dự án cần thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để sớm xây dựng kế hoạch tổ chức.
Đối với các nội dung khác, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục chủ động, khẩn trương chuẩn bị nội dung, phối hợp chặt chẽ ngay trong quá trình xây dựng dự thảo, bảo đảm tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho đại biểu có thời gian nghiên cứu và khắc phục dần tình trạng chậm gửi tài liệu...