|
|
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 2/6. |
Khắc phục những vấn đề vướng mắc bất cập trong các quy định cũ
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau hơn 12 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với bối cảnh mới có nhiều thay đổi, đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi toàn diện luật để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu mới và khắc phục các vướng mắc trong công tác thực thi, quản lý nhà nước thời gian qua.
|
|
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình (ảnh: VPQH cung cấp). |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc xây dựng luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Về nội dung cụ thể, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật gồm 10 chương, 74 điều. Theo đó, dự thảo Luật quy định hình thức cấp phép và các điều kiện cấp phép theo hướng: đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích gia nhập thị trường đối với một số dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng; quy định điều kiện cấp phép chặt chẽ đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, sử dụng tài nguyên viễn thông và mạng vệ tinh để bảo đảm an toàn, an ninh.
Tại dự thảo cũng tập trung quy định các vấn đề mới để thúc đẩy phát triển viễn thông như: Xác định hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là một phần quan trọng của hạ tầng số; Điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông qua vệ tinh theo nguyên tắc quản lý chặt, đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia, phù hợp với cam kết quốc tế; Điều chỉnh hoạt động bán buôn trong viễn thông để đảm bảo thúc đẩy thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, bền vững.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông) theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho phát triển nhưng có quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh. Đối với các nội dung mới có thể phát sinh trong tương lai như Internet thế hệ mới, mô hình hoạt động viễn thông mới, dự thảo Luật bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Chính phủ ban hành các quy định điều chỉnh mới theo nguyên tắc phù hợp với quy định chung đã có của Luật.
Đề nghị rà soát thêm các luật liên quan
Trình bày Báo cáo Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, về các nội dung cụ thể, Ủy ban KH,CN&MT tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các dịch vụ: trung tâm dữ liệu; điện toán đám mây; dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông) để phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ của viễn thông, công nghệ thông tin với công nghệ số.
|
|
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy trình bày Báo cáo Thẩm tra (ảnh: VPQH cung cấp). |
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và các quy định có liên quan trong dự thảo Luật đối với những nội dung mở rộng, tránh sự trùng lặp, chồng chéo.
Về quản lý dịch vụ OTT viễn thông (Điều 22), Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đang được đẩy mạnh.
Vì vậy, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, khả thi; cân nhắc, chỉ nên luật hóa những nội dung đã được thống nhất, đánh giá tác động kỹ lưỡng; đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc và sẽ được cụ thể hóa tại văn bản hướng dẫn để bảo đảm tính linh hoạt trên thực tế.
Về cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây (Điều 23) và cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 24), Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây hiện chưa được điều chỉnh đầy đủ bởi pháp luật hiện hành.
Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo làm rõ, rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định này, bảo đảm khả thi, tránh phát sinh các vướng mắc trong thực tế.
Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam (Điều 33), có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cần thiết phải duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc bỏ Quỹ này.
Qua khảo sát thực tế, phân tích, đánh giá, đa số ý kiến Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, nên tiếp tục duy trì Quỹ theo như đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, cần cân nhắc để luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện ổn định trong thời gian qua liên quan đến các nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể của Luật và tăng tính hiệu quả trong hoạt động của Quỹ này.
|
|
Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội sáng 2/6 (ảnh: VPQH cung cấp). |
Về kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông (Chương V), Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật là một chính sách đang được Nhà nước khuyến khích nhằm tránh việc các đơn vị thi công rải rác, không đồng bộ, ảnh hưởng đến quy hoạch, cảnh quan không gian. Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy, việc kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ khâu quy hoạch cho đến tổ chức thực hiện…
Do đó, một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung tại Điều 65 (Thiết kế, xây dựng công trình viễn thông) và Điều 67 (Quản lý công trình viễn thông) quy định về việc nên giao cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương là chủ đầu tư các công trình viễn thông và quản lý đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động dùng chung.
Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet (Điều 51), Luật Đấu giá tài sản hiện hành đã quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và tổ chức đấu giá tài sản. Việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet đã được quy định tại Luật Viễn thông hiện hành và Quyết định số 16/2021/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị chỉ nên quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, những vấn đề cụ thể có thể dẫn chiếu đến quy định của Luật Đấu giá tài sản hoặc giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn.
Về công trình viễn thông (Chương VIII), Dự thảo Luật quy định công trình viễn thông được lắp đặt trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công và các tài sản công khác; ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được ưu tiên đặt tại nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu và các địa điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Ủy ban KH,CN&MT đề nghị rà soát các luật liên quan (như Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công) để thống nhất các quy định, khái niệm liên quan như đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công.