Cụ thể, về việc thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15 về an sinh xã hội, đến cuối tháng 6, các địa phương đã hỗ trợ được 15,8 triệu người với 6 nhóm đối tượng, chi phí hỗ trợ 17,5 nghìn tỉ. Các địa phương đã giải ngân hơn 11.000 tỉ đồng, hỗ trợ 15 triệu người, gần 7.000 hộ kinh doanh, lao động mất việc, lao động tự do, người cận nghèo, người nghèo, người có công với cách mạng…
|
|
Bộ Lao động, thương binh & xã hội đề xuất giáo viên mầm non tư thục được hưởng gói hỗ trợ. (ảnh minh họa: nguồn internet) |
Ngoài ra, việc thanh tra kiểm tra giám sát đang được đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm, hàng ngày qua đường dây nóng, đã tiếp cận 50.000 thông tin, giám sát 30/63 tỉnh, thành phố. Ngoài tỉnh Thanh Hoá đã dừng toàn bộ hỗ trợ thì cả nước phát hiện 3 thôn bản có vi phạm. Tất cả những sự việc này đều được ngăn chặn xử lý nghiêm minh.
Đặc biệt, ông Đào Ngọc Dung cho biết, về gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng, đang gặp khó khăn trong tiếp cận do đưa ra tiêu chí cao. “Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Chính phủ điều chỉnh mở rộng thêm một đối tượng khó khăn đó chính là giáo viên trường tư thục bị mất việc nhưng chưa được hỗ trợ, nhưng kinh phí vẫn nằm trong gói đã được phê duyệt”- ông nói.
Cùng với đó, ông đề xuất nới lỏng thêm tiêu chí cho doanh nghiệp vay trả lương, bỏ tiêu chí thứ hai, đó là doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay, “bởi nếu không có nguồn thu thì giải thể rồi, do đó đề nghị Chính phủ cho điều chỉnh, giao lại cho Bộ LĐ-TB-XH cùng Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong thời gian ngắn nhất tiếp cận, đồng thời cho doanh nghiệp vay hết tháng 12/2020 để kích cầu tiêu dùng, sản xuất”- Bộ trưởng kiến nghị.
Trước những kiến nghị của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước đó chúng ta dự báo giãn cách xã hội 3 tháng nhưng nay chỉ còn 1 tháng, do đó chưa giải ngân hết các gói hỗ trợ là điều đáng mừng. Bên cạnh đó, Thủ tướng đồng ý cho doanh nghiệp vay không lãi đến hết tháng 12/2020, điều chỉnh tiêu chí theo đề xuất trong gói 16.000 tỉ đồng nhưng khẳng định ngân sách chỉ ở mức độ đó.