    |
 |
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 5/5. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Sáng 5/5, sau phần báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đã trình bày báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2025.
Cụ thể, về kiến nghị của Chính phủ trình Quốc hội xử lý một số nhiệm vụ chi phát sinh trong điều hành NSNN năm 2025 như: việc bổ sung dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy, ông Mãi cho biết, đa số ý kiến nhất trí việc trình Quốc hội xem xét, quyết định bố trí 44.000 tỉ đồng như phương án Chính phủ trình và giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
    |
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Tuy nhiên, về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Trung ương trong trường hợp đối với kinh phí phát sinh lớn hơn 44.000 tỉ đồng: Căn cứ khoản 2, Điều 55 Hiến pháp và khoản 2, Điều 8 Luật Ngân sách Nhà nước, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán đối với nhiệm vụ chi này.
Trường hợp giữa hai kỳ họp, kiến nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp chưa rõ phương án phân bổ cụ thể, trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định, giao Chính phủ tổ chức thực hiện theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước.
Về chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ sang năm 2025 để có nguồn thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ quan thẩm tra nhất trí phương án Chính phủ trình, song, đề nghị Chính phủ bố trí thực hiện nhiệm vụ chi theo đúng mục đích, đối tượng, chế độ, định mức theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
    |
 |
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp. |
“Trường hợp kinh phí phát sinh lớn hơn số kinh phí được bố trí, đề nghị sử dụng kinh phí từ dự phòng ngân sách Trung ương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội nhấn mạnh.
Về việc cân đối, bố trí đạt 3% tổng chi NSNN năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cơ quan thẩm tra nhất trí về chủ trương bố trí đạt 3% tổng chi NSNN năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như Tờ trình của Chính phủ.
“Trường hợp cần bố trí kinh phí từ nguồn điều chỉnh dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 đã bố trí cho các nhiệm vụ nhưng chưa phân bổ từ đầu năm, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội theo đúng thẩm quyền", ông Phan Văn Mãi nêu.
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy, trong nhiều năm qua, việc sử dụng, giải ngân nguồn NSNN cho khoa học, công nghệ là khá chậm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương bám sát định hướng tại Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, có giải pháp triển khai kịp thời và chịu trách nhiệm toàn diện về phân bổ, giải ngân, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực, bảo đảm không thất thoát, lãng phí…