2 ngày qua, báo chí và các trang mạng xã hội đưa nhiều thông tin và hình ảnh khiến nhiều người bất ngờ, bức xúc về việc thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) lập chốt kiểm soát, yêu cầu người đi qua thành phố này phải dừng lại, xếp hàng khai báo và ký bản cam kết trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 khiến nơi đây xe cộ ùn tắc thành hàng dài hàng trăm mét, nhiều người phải đợi hàng tiếng đồng hồ mới có thể tiếp tục di chuyển…
|
|
Cảnh ùn tắc giao thông được ghi nhận tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở thành phố Sơn La, tỉnh Sơn la ngày 4/1/2022 (ảnh: Báo Lao động). |
Không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch
Công tác phòng, chống dịch đòi hỏi phải luôn được áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng trên nguyên tắc không trái với các quy định thống nhất của toàn quốc. Thời gian vừa qua, trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trước tình hình mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu khiến nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng, khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Cụ thể, ở Mục I – Mục tiêu, Nghị quyết 128 nêu rõ: Trong khi tỷ lệ bao phủ vắc xin đang được đẩy nhanh nhưng chưa đạt độ bao phủ toàn dân và các loại thuốc điều trị COVID-19 đang được phát triển, đưa vào sử dụng nhưng chưa có thuốc đặc trị; nhằm đảm bảo sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của Nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.
|
|
Do tình trạng ùn ứ kéo dài hàng tiếng đồng hồ nên người dân tập trung rất đông khai báo y tế qua chốt kiểm soát ở thành phố Sơn La, không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng dịch (ảnh: Báo Lao động). |
Ở mục II - Quan điểm của Nghị quyết 128, nhấn mạnh: “Bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất”.
Bên cạnh đó, Quan điểm của Nghị quyết 128 cũng khẳng định: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc...; Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội.
|
|
Người dân qua chốt ở thành phố Sơn La phải khai báo và ký cam kết bằng biện pháp thủ công trên giấy thay vì quét mã QR gây tiềm ẩn thêm nguy cơ lây lan dịch (ảnh: Báo Lao động). |
Cùng với đó, ở mục 9.2, phần IV của Nghị quyết 128 cũng nêu rõ: Quản lý thông tin người vào/ra địa điểm công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, các địa điểm sản xuất, kinh doanh, sự kiện đông người bằng mã QR.
Ngoài ra, đối với việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau, Nghị quyết 128 hướng dẫn, đối với người về từ vùng có cấp độ dịch 1 và 2 (vùng xanh và vùng vàng) thì không hạn chế. Đối với người từ vùng 3 (vùng cam) thì không hạn chế nhưng có điều kiện. Còn người từ vùng 4 (vùng đỏ) thì mới hạn chế. Ngoài ra, ở nội dung này, Nghị quyết 128 hướng dẫn, đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau cần phải tuân thủ điểu kiện về tiêm chủng, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ y tế; tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly của Bộ Y tế…
|
|
Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định rất rõ về ứng dụng công nghệ thông tin và viêc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau. |
Và cuối cùng, ở mục V – Điều khoản áp dụng, Nghị quyết 128 nêu rõ: Quy định này được áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định các biện pháp hành chính phù hợp bao gồm các quy định, hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người,... và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.
Sự quản lý là cần thiết nhưng tránh cực đoan
Như vậy, có thể khái quát, tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ là đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch khoa học, thống nhất, phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây khó khăn cho hoạt động vận tải, sản xuất kinh doanh và nhu cầu đi lại của người dân.
|
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội chiều ngày 6/1/2022. |
Chia sẻ quan điểm về vấn đề nêu trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho biết: “Trong dịp Tết Nguyên Đán này, nhu cầu đi lại của người dân giữa các tỉnh thành phố với nhau sẽ là rất lớn. Việc quản lý di biến động dân cư giữa các địa phương, nhất là các địa phương đang bùng phát dịch bệnh hoặc là có những diễn biến phức tạp về dịch bệnh thì sự quản lý là cần thiết nhưng tránh cực đoan, tránh đưa ra những biện pháp hạn chế mà ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cũng như là vận tải hàng hóa, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp”.
Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 đang đến rất gần. Vì vậy, nhu cầu về vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu đi lại của người dân khắp nơi về quê ăn Tết là nhu cầu chính đáng và cần phải được đảm bảo trên nguyên tắc phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thống nhất, khoa học…
Thiết nghĩ, sự việc lập chốt yêu cầu khai báo, ký bản cam kết thủ công (bằng giấy) gây ách tắc lưu thông như vừa qua xảy ra ở thành phố Sơn La không chỉ là vấn đề đáng suy ngẫm của riêng địa phương này, mà nó còn là câu chuyện mà các địa phương khác cần nghiêm túc quan tâm nghiên cứu trước khi đưa ra các văn bản, chỉ đạo điều hành trên tinh thần đã được Chính phủ quán triệt: “… không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội” – trích phần I – Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ.