Đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung làm rõ một số vấn đề

Thảo luận tại Tổ 14 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng, tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Tĩnh, dưới sự điều hành của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm, các đại biểu nhất trí cao với nội dung các Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi thảo luận ở Tổ 14 chiều 23/7. 

Cùng với đó, các đại biểu khẳng định, đây là những chương trình quan trọng nhằm thực hiện chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn hiện đại văn minh; tiếp tục không ngừng chăm lo đời sống vật chất tinh thần giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, rút ngắn khoảng cách phát triển nông thôn với đô thị, miền núi với đồng bằng.

Bên cạnh đó, các đại biểu đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung làm rõ một số vấn đề, trong đó cần đánh giá làm rõ hơn những tồn tại hạn chế của giai đoạn trước. Trong xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ tiếp tục củng cố nâng cao các xã đạt chuẩn nông thôn mới; cho phép các địa phương vận dụng xây dựng tiêu chí nâng cao, tiêu chí riêng để khuyến khích sáng tạo nâng cao hiệu quả thực hiện, phù hợp với tình hình địa phương;…

leftcenterrightdel
Các đại biểu ở Tổ 14 phát biểu thảo luận. 

Nhiều đại biểu cũng tán thành với kiến nghị của Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp ở địa phương chung cho cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành, đồng thời bảo đảm phân công hợp lý, không chồng chéo, nhất là việc lồng ghép thực hiện các chương trình trên cùng địa bàn.

Khẳng định sự cần thiết ban hành chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng nếu không có chương trình mục tiêu quốc gia, không có chủ trương chính sách đủ mạnh thì khó có thể đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; nhấn mạnh để thực hiện được các mục tiêu dù giảm nghèo bền vững hay nông thôn mới thì việc lồng ghép các chương trình, mục tiêu, nguồn vốn thực hiện là hết sức quan trọng. 

Cùng quan điểm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cũng cho rằng ngoài việc xây dựng khung tiêu chí chung áp dụng trên cả nước thì cũng cần các quy định để khuyến khích các địa phương xây dựng tiêu chí nâng cao phù hợp với tình hình địa phương và khuyến khích xây dựng các tiêu chí riêng để địa phương được chủ động, sáng tạo thực hiện thúc đẩy phát triển.

Không bị trùng lặp giữa các chương trình mục tiêu quốc gia

Phát biểu tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Đoàn ĐBQH Tp. Hải phòng đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho biết, các Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành cuộc vận động lớn, thay đổi bộ mặt nông thôn, hoàn thành mục tiêu trước kế hoạch gần 2 năm. 

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Đoàn ĐBQH Tp. Hải phòng phát biểu trong buổi thảo luận ở Tổ 14.

Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đã được Quốc hội khóa XIV phê duyệt và tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đối với Chương trình nông thôn mới, ở đâu có nông thôn thì thực hiện nông thôn mới. Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững thực hiện theo đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo và tập trung ở một số vùng trọng điểm, đối với những đối tượng không có khả năng thoát nghèo thì sẽ chuyển sang đối tượng bảo trợ xã hội. Đối với Chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi áp dụng theo địa bàn, trên cơ sở tích hợp gần 200 chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có. Do đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định không trùng lặp giữa các chương trình, tuy nhiên thực tế có những địa bàn sẽ thực hiện cả 3 chương trình này. 

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết trong giai đoạn 2021-2026, việc thực hiện chương trình nông thôn mới có sự khác biệt theo hướng, vừa tiếp tục phấn đấu thực hiện xây dựng nông thôn mới ở những nơi chưa đạt và đối với những nơi đã đạt nông thôn mới thì tiến tới làm tốt hơn, nâng cao hơn tiêu chuẩn để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình ban hành tiêu chuẩn khung và tùy theo điều kiện địa phương cụ thể hóa các tiêu chí cho phù hợp, phấn đấu thực hiện cao hơn. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành với kiến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đối với địa phương tự cân đối được ngân sách thì ngân sách trung ương không hỗ trợ thực hiện chương trình nông thôn mới, tuy nhiên cũng cần lưu ý đối với trường hợp của tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam dù tự cân đối được ngân sách nguồn thu không ổn định và còn nhiều địa bàn khó nên Chính phủ cần tính toán để có mức hỗ trợ phù hợp...

Cảnh Vũ