leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 4/1 (ảnh: VPQH cung cấp).

Về nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng (Điều 17): So với Luật Công chứng hiện hành, khoản 1 Điều 17 của dự thảo Luật bổ sung quy định: “Việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải tuân theo quy định của Luật này và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng các giao dịch của tổ chức, cá nhân trên địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập”.

Đồng thời, điểm b khoản 1 Điều 73 của dự thảo Luật bổ sung quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: “b) Ban hành Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương phù hợp với quy định của Luật này;”.

Về vấn đề này, trong quá trình thẩm tra có 2 loại ý kiến như sau:

­Loại ý kiến thứ nhất đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết, căn cứ, tính hợp lý và yêu cầu bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong việc quy định bổ sung nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng tại khoản 1 Điều 17 của dự thảo Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định của dự thảo Luật có những điểm hợp lý nhất định phù hợp với đặc thù của hoạt động công chứng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, khắc phục các vướng mắc hiện nay. Tuy nhiên, quy định theo hướng này thì cần phải sửa đổi quy định có liên quan của Luật Quy hoạch để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, cần có quy định để loại bỏ cơ chế “xin - cho”, lạm dụng quyền được thành lập Văn phòng công chứng để trục lợi, dễ phát sinh tiêu cực trong việc thành lập các tổ chức hành nghề công chứng.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở để quản lý, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng.  

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về mô hình Văn phòng công chứng (Điều 21): Kế thừa quy định của Luật hiện hành, khoản 1 Điều 21 của dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh. Qua thảo luận, có 2 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc không cho phép thành lập Văn phòng công chứng do một công chứng viên (CCV) làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân đã hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề đối với CCV... Hơn nữa, để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì loại hình Văn phòng công chứng có quy mô nhỏ do một CCV làm chủ là rất phù hợp. Do đó, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật mô hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh như Luật hiện hành.

Loại ý kiến thứ hai tán thành kế thừa quy định về Văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh như dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này. Theo đó, loại hình doanh nghiệp tư nhân hành nghề công chứng có những điểm không phù hợp do khi xảy ra tình huống CCV duy nhất chết hoặc vì lý do sức khỏe hoặc lý do cá nhân không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về công chứng điện tử (mục 3 Chương V): Khoản 1 Điều 63 của dự thảo Luật xác định công chứng điện tử thực hiện theo 2 phương thức: công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến.

Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo Luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023.

Đồng thời cho rằng, công chứng điện tử là sự thay đổi về phương thức thực hiện công chứng chứ không được làm thay đổi bản chất và đặc điểm của mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung, hoạt động công chứng phải bảo đảm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Về phạm vi công chứng điện tử, trong quá trình thẩm tra có 2 loại ý kiến như sau:

Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành với dự thảo Luật không giới hạn phạm vi công chứng điện tử mà giao Chính phủ quy định lộ trình cụ thể.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng: Trong điều kiện hiện nay, công nghệ chưa thể bảo đảm thay thế hoàn toàn vai trò của con người trong việc thực hiện các yếu tố bảo đảm tính xác thực về ý chí, bảo đảm giấy tờ và chứng cứ được đối soát chính xác, đầy đủ, bảo đảm nội dung của giao dịch là hợp pháp nên việc thực hiện công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý, trước mắt trong Luật chỉ nên quy định ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, không nên áp dụng đối với các giao dịch về bất động sản, thừa kế...

Bên cạnh đó, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trước mắt chỉ nên thí điểm công chứng điện tử, trên cơ sở đó tiến hành tổng kết thực tiễn làm cơ sở luật hóa nội dung này. Ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội xác định lộ trình mở rộng phạm vi giao dịch được công chứng điện tử, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất.

Bên cạnh một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật cũng thẩm tra đầy đủ một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, gồm: Về phạm vi hoạt động công chứng; Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7); Về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm CCV (Chương II); Về tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng (Chương III); Về thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản (Điều 42); Về thủ tục công chứng giao dịch (Chương V); Về cơ sở dữ liệu công chứng (Điều 64); Về hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV; Về giải quyết khiếu nại trong hoạt động công chứng (Điều 75); Về một số vấn đề khác…

Diên Hồng