Trong Nghị quyết số 109/2023/QH15, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, chất vấn. Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc triển khai một số nghị quyết còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, chất vấn, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong 21 lĩnh vực cụ thể.

Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này, kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của cá nhân, cơ quan liên quan không hoàn thành các yêu cầu của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát và vận động mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết này. Nghị quyết đã được Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu ngày 29.11 vừa qua.         

Trong Nghị quyết 938/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: Thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cụ thể, thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 171,01 km2 và quy mô dân số là 229.162 người của huyện Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang; thị xã Việt Yên giáp thành phố Bắc Giang, các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Dũng và tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời, thành lập 9 phường thuộc thị xã Việt Yên. Sau khi thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, thị xã Việt Yên có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 phường: Bích Động, Hồng Thái, Nếnh, Ninh Sơn, Quang Châu, Quảng Minh, Tăng Tiến, Tự Lạn, Vân Trung và 08 xã: Hương Mai, Nghĩa Trung, Minh Đức, Thượng Lan, Tiên Sơn, Trung Sơn, Vân Hà, Việt Tiến; tỉnh Bắc Giang có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; 209 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 175 xã, 19 phường và 15 thị trấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết nghị: Thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; thành lập Tòa án nhân dân thị xã Việt Yên trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; thành lập Viện kiểm sát nhân dân thị xã Việt Yên trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Trong Nghị quyết 939/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: Nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể, nhập xã Thiệu Phú với toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,53 km2 và quy mô dân số là 9.175 người vào thị trấn Thiệu Hóa. Sau khi nhập, thị trấn Thiệu Hóa có diện tích tự nhiên là 17,21 km2 và quy mô dân số là 28.352 người. Thị trấn Thiệu Hóa giáp các xã Tân Châu, Thiệu Công, Thiệu Duy, Thiệu Long, Thiệu Nguyên, Thiệu Phúc, Thiệu Trung, Thiệu Vận và huyện Đông Sơn. Thành lập thị trấn Hậu Hiền trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 10,41 km2 và quy mô dân số là 12.061 người của xã Minh Tâm.

Sau khi nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa có 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 2 thị trấn; tỉnh Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 23 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố; 558 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 467 xã, 60 phường và 31 thị trấn.

Hai Nghị quyết nêu trên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Phiên họp thứ 28 vừa qua và đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1.2.2024.

Toàn văn nội dung 3 Nghị quyết được đăng tải trên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân: http//www.daibieunhandan.vn.


Theo báo Đại biểu Nhân dân