leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/8. 

Hôm nay (ngày 17/8), tiếp tục nội dung chương trình phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020.

Hoạt động thanh tra chưa thấy rõ kết quả

Thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, bên cạnh việc đánh giá cao các kết quả nổi bật trong năm 2020 đã đạt được của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam và một số cơ quan có liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng thẳng thắn cho rằng, một số chính sách, quy định đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống. Nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật BHXH đã được chỉ ra nhưng chậm được nghiên cứu, sửa đổi.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra: Hoạt động thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã có nhiều tích cực song chưa thấy rõ kết quả. Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ chưa có thông tin, báo cáo về việc chấp hành nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp. 

Về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN: Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết số 28-NQ/TW là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp phù hợp sẽ khó đạt được mục tiêu đến năm 2021 có 35% và đến năm 2025 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH;  Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc năm 2020 chỉ đạt 93,7% chỉ tiêu kế hoạch đề ra; chiếm tỷ lệ trên 31% lực lượng lao động trong độ tuổi và sẽ có nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu năm 2021 mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra;…

Về tình hình thu BHXH, BHTN: Số thu của BHXH bắt buộc năm 2020 tăng 5,54% nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng thu của năm 2019;  Mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc và BHTN tăng không đáng kể, tỷ lệ tăng có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện có xu hướng giảm nhanh.  

Về tình hình nợ đọng: Số nợ đóng, chậm đóng dự báo có thể tiếp tục xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo; Cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ Hưu trí và tử tuất khi triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng.

Đối với tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH, quỹ BHTN, quỹ BHTNLĐ-BNN năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng: Về cơ bản các quỹ ngắn hạn đều bảo đảm chi trả và có kết dư lớn; Tuy nhiên, Quỹ ốm đau, thai sản có năm thứ 2 liên tiếp mất cân đối thu - chi nhẹ (số thu nhỏ hơn số chi), tuy nhiên vẫn có nguồn kết dư và dự báo việc mất cân đối - thu chi này sẽ tự điều chỉnh về thặng dư dương khi tăng tuổi nghỉ hưu và vẫn thực hiện các chính sách, chế độ về ốm đau, thai sản như hiện nay. Về quỹ Hưu trí, tử tuất, mặc dù vẫn đang kết dư lớn, song cần tính toán thận trọng, kỹ càng hơn trong việc bảo đảm cân đối trong dài hạn, nhất là với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (già hóa dân số).

Tránh tình trạng thất thoát Quỹ BHXH

Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc tuy nhiên chưa có giải pháp cụ thể, mang tính căn cơ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID -19 diễn biến phức tạp. Ngoài ra, hoạt động thanh tra kiểm tra vẫn còn bất cập như vấn đề thực hiện kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả, trong báo cáo cũng không thể hiện rõ nội dung này...

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại Phiên họp. 

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra rất đầy đủ, trách nhiệm của Ủy ban Xã hội. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong thực hiện hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020;... Nhấn mạnh đây là Quỹ ngoài ngân sách lớn nhất, có vai trò vô cùng quan trọng, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành có liên quan cần nhận thức rõ trách nhiệm trong việc quản lý Quỹ, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của quỹ Bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần nắm rõ nguyên tắc của quỹ là đóng – hưởng; không dùng kết dư của các quỹ này vào các mục đích khác, không đúng bản chất; Làm rõ và cụ thể thông tin, số liệu chi tiết trong báo cáo;… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị phải tăng cường hơn nữa kỷ luật kỷ cương trong quản lý Quỹ; về thu chi bảo hiểm xã hội phải đảm bảo thu đúng thu đủ, chi đúng chi đủ cho đối tượng thụ hưởng tránh tình trạng thất thoát quỹ. Đồng thời, cần khẩn trương tiến hành tổng kết việc thi hành Luật bảo hiểm xã hội; đề xuất sửa đổi luật để sớm khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện nay.  

Tránh chi sai, thất thoát quỹ

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, qua thảo luận, ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí và ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong đó có cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện bảo hiểm xã hiểm đã có sự phối hợp triển khai thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, đặc biệt là những cố gắng trong việc duy trì và phát triển đối tượng tham gia, phục vụ đối tượng thụ hưởng và các chế độ bảo hiểm xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung thảo luận. 

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thấy rằng, vẫn còn tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục như: Quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện, tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra; phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội nhất là đối tượng bắt buộc; Vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần;  Vấn đề nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội và thu hồi; Việc triển khai thu chi và cân đối Quỹ nhất là đối với vấn đề cân đối bảo toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội cần bổ sung số liệu cho cụ thể, chính xác;…

Để khắc phục những tồn tại hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan khẩn trương, rà soát tiếp thu những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu, cơ quan chủ trì thẩm tra nêu để hoàn thiện báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 và báo cáo Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2 (vào tháng 10/2021).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, tránh chi sai, thất thoát quỹ; tăng cường kỷ luật kỷ cương trong quản lý quỹ; Về thu chi bảo hiểm xã hội phải đảm bảo thu đúng thu đủ, chi đúng chi đủ cho đối tượng thụ hưởng tránh tình trạng thất thoát quỹ; Đề xuất các giải pháp để các quỹ ngắn hạn thực hiện theo đúng bản chất, giảm tình trạng kết dư quỹ ngắn hạn lớn như hiện nay; Khẩn trương tiến hành tổng kết việc thi hành luật bảo hiểm xã hội trong đó có sự kết nối thông tin chặt chẽ với quá trình quản lý quỹ bảo hiểm xã hội để sớm trình đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật…

Vũ Cảnh