Cụ thể, Chính phủ tập trung thảo luận về hai nội dung: Tình hình KTXH tháng 9 và 9 tháng năm 2021; thảo luận kỹ hơn về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch COVID-19 và từng bước mở cửa trở lại, đưa cuộc sống về điều kiện bình thường mới. Trong đó, Chính phủ dành phần đầu phiên họp để thảo luận, lắng nghe các ý kiến địa phương góp ý vào dự thảo thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch COVID-19.

leftcenterrightdel
Tại phiên họp, Thủ tướng cũng đã kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Ảnh:VGP 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, chúng ta đã thực hiện việc giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội ở 23 tỉnh, thành phố và đạt kết quả nhất định bước đầu. Ban chỉ đạo quốc gia đã thống nhất cần có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng dự thảo hướng dẫn tạm thời, gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và lấy ý kiến tới tận cấp huyện, cấp xã. Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế cũng đã nhiều lần lấy ý kiến các cơ quan liên quan, lắng nghe, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học… về dự thảo. 

Bên cạnh các ý kiến đồng thuận, cũng có các ý kiến khác nhau về dự thảo hướng dẫn, cho nên Chính phủ tiếp tục dành thời gian của phiên họp để lấy thêm ý kiến các địa phương.

“Đây là vấn đề khó. Như tôi đã nói nhiều lần, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhau, để chúng ta có đầy đủ thông tin, đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng hướng dẫn”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Người đứng đầu Chính phủ, qua gần 2 năm phòng chống dịch, chúng ta đã hiểu rõ hơn về virus và dịch bệnh, tuy nhiên, dịch bệnh vẫn khó lường, một văn bản không thể điều chỉnh hết toàn bộ mọi góc cạnh của cuộc sống từ Trung ương tới cấp xã, phường, nhất là khi chúng ta lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng chống dịch.

Việc xây dựng dự thảo được tiến hành thận trọng với mục tiêu làm sao phù hợp nhất có thể trong điều kiện hiện nay. Đây là hướng dẫn tạm thời vì việc chống dịch chưa có tiền lệ, diễn biến nhanh, phức tạp, liên quan tới tất cả công dân, liên quan tới mọi lĩnh vực như an ninh trật tự, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dần.

Thủ tướng cũng cho rằng, không có phương án hoàn hảo, chúng ta chọn phương án tối ưu, đặc biệt không để ách tắc giao thông, ách tắc các chuỗi cung ứng mà chúng ta phải duy trì và đề nghị các đại biểu góp ý để nhanh chóng ban hành hướng dẫn trên phạm vi cả nước, thực hiện nghiêm túc, nhất quán từ Trung ương tới địa phương, đồng thời, vẫn phù hợp với các địa bàn đặc thù như TP HCM, Hà Nội…

Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, sau khi TP HCM và một số tỉnh phía Nam thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, có hiện tượng nhiều người dân từ TP HCM, Bình Dương di chuyển tự phát về quê. Do đó, ông kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Đồng thời, yêu cầu TP HCM và các tỉnh có đông người dân, lao động ngoại tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vắc xin đầy đủ; tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

“Nếu người dân thực sự có mong muốn về quê vì các lý do khác nhau thì các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa người dân về quê, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây bức xúc cho người dân.”- Thủ tướng nói.

 Sở Giao thông vận tải TP HCM vừa ban hành văn bản khẩn về việc hướng dẫn tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố từ ngày 1/10.

Theo hướng dẫn, người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động); trường hợp không có mã QR, xuất trình một trong các giấy tờ sau: là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; đã tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi thành phố. Đối với hoạt động vận tải phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Hoạt động vận tải hàng hoá tuân thủ theo quy định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 19/7/2018 của UBND TP HCM. Các loại xe tải chở hàng hóa khi lưu thông trong khung giờ cấm xe tải trên địa bàn thành phố phải có giấy phép do Sở GTVT cấp. Vận tải hoàng hóa bằng đường thuỷ hoạt động bình thường.

Từ ngày 5/10, sẽ tổ chức một số tuyến xe buýt với tần suất và thời gian hoạt động tùy theo tình hình, nhu cầu thực tế từng khu vực.

Đối với xe taxi, mỗi đơn vị vận tải đăng ký số lượng xe hoạt động tối đa không vượt quá 20% số xe quản lý. 

Đối với xe vận chuyển khách bằng xe du lịch, mỗi đơn vị vận tải đăng ký số lượng xe hoạt động tối đa không vượt quá 30% số xe quản lý.

Xe chở khách bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ: được phép đăng ký hoạt động tối đa không vượt quá 10% số xe quản lý...

 

 

Minh Nhật