leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 25/5.

Sáng 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”. 

Kiến nghị cho chuyển nguồn vốn đối với các chính sách kém hiệu quả

Phát biểu thảo luận, bên cạnh việc đánh giá cao các kết quả đã đạt được, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Nghị quyết số 43/2022/QH15 nói riêng còn có một số tồn tại, hạn chế.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận.

Theo đại biểu, một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về tính rõ ràng, chồng chéo và tính khả thi, dẫn đến việc nhiều bộ ngành và địa phương phải tổ chức xin ý kiến, hướng dẫn và gây thêm chi phí (thời gian, tài chính) không cần thiết cho doanh nghiệp; chưa tạo được cách tiếp cận và động lực đủ mới cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh…

Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét theo tình hình thực tế cho điều chuyển nguồn vốn đối với các chính sách kém hiệu quả sang các chính sách mà xã hội, người dân đang có nhu cầu, nhằm phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ.

Cùng với đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét tăng thêm nguồn vốn cho địa phương thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP và các chính sách giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp. Sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời chú trọng hơn nội dung cải cách thể chế kinh tế, cải cách hành chính và môi trường đầu tư - kinh doanh…

Xem xét, bổ sung đối tượng được vay vốn

Phát biểu thảo luận, đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả giám sát.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu thảo luận.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu cho rằng một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng chậm so với yêu cầu đề ra; việc mua sắm, cung ứng thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế chậm được cung ứng, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đại biểu Âu Thị Mai thống nhất cao với các đề xuất của Đoàn giám sát, đồng thời kiến nghị: 

Đối với Quốc hội: Tiếp tục cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp.

Đối với Chính phủ: Xem xét, bổ sung đối tượng được vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đối với hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số sinh sống ở xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bổ sung quy định ưu đãi cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp thuê theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP. 

Đối với các Bộ, ngành trung ương: Khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ các rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính chưa thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…

Đối với các địa phương: Đẩy nhanh thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai…

Có những chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống

Phát biểu thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội chia sẻ một số bài học kinh nghiệm cần rút ra cho chặng đường tiếp theo và cũng là để trả lời cho câu hỏi nếu như trong tương lai, nếu như một lần nữa dịch bệnh xảy ra liệu chúng ta có áp dụng những chính sách như chúng ta đã áp dụng hay không? 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận.

Theo đại biểu, bài học thứ nhất là về tính kịp thời trong tổ chức thực hiện, đây là yêu cầu quan trọng nhất, xuyên suốt nghị quyết trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra. Nghị quyết quy định rất rõ các giải pháp phải kịp thời, các chính sách, phải khẩn trương và nguồn vốn phải hấp thụ được ngay. Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, đến nay có một số nhiệm vụ chưa kịp hoàn thành, làm giảm tính thời sự, ảnh hưởng đến tính ứng phó kịp thời của một số chính sách.

Bài học thứ hai là về cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của một số chính sách. Đại biểu cho biết, bên cạnh rất nhiều chính sách hợp lý cũng có những chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống như: chính sách hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại, chính sách hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển du lịch hay việc sử dụng Quỹ viễn thông công ích… 

Nếu có thể làm lại, cá nhân đại biểu cho rằng rất cần có trọng tâm trọng điểm, chúng ta không cần nhiều chính sách, nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt là cần đứng từ góc độ người dân để hiểu hơn người dân thực sự cần gì và doanh nghiệp thực sự muốn gì?

Đại biểu cho biết, trong số 272 dự án thuộc Chương trình, có tới 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí, đây cũng là bài toán cần xem xét thận trọng.

Tuy nhiên, theo đại biểu, đối với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan có thể hủy dự toán; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan...

Tiếp tục giám sát việc kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân

Qua nghiên cứu báo cáo kết hợp với thực tiễn triển khai tổ chức giám, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện Nghị quyết 43 vẫn còn chậm. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu thảo luận.

Đại biểu dẫn chứng, tại phụ lục 01 của báo cáo về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội thống kê cho thấy không phải chỉ một số văn bản hướng dẫn chính sách còn chậm mà hầu hết các văn bản đều ban hành chậm.

Trong số 21 văn bản được thống kê trong phụ lục chỉ có duy nhất có 1 văn bản được ban hành đúng thời hạn, còn lại 20 văn bản đều chậm và muộn. Trong số 20 văn bản chậm đó, tuy có 4 văn bản không có quy định thời hạn cụ thể nhưng cũng đều ban hành rất muộn. Nhiều văn bản chậm từ 2 tháng đến 7 tháng.

Đại biểu nhấn mạnh, việc chậm, muộn ban hành văn bản quy phạm pháp luật này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp, một số chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung.

Đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục giám sát việc kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong các tồn tại, hạn chế đã nêu. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, chỉ khi nghiêm túc kiểm điểm, thì những hạn chế, tồn tại mới không lặp lại, nhất là việc chậm, muộn ban hành văn bản…

Diên Hồng