|
|
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 23/6 (ảnh: VPQH cung cấp). |
Cần bảo vệ quyền lợi của bên mua, bên thuê nhà
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, kinh doanh bất động sản có mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận, tuy nhiên, khoản 3 Điều 10 bao gồm các trường hợp: Công trình xây dựng, chuyển nhượng bất động sản do phá sản… không thuộc loại hình kinh doanh bất động sản, không tìm kiếm lợi nhuận. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.
Bên cạnh đó, các dự án kinh doanh nhà ở, bất động sản có liên quan đến luật Đất đai, luật Nhà ở, đại biểu đề nghị cần thống nhất luật nào là chủ đạo, các luật khác có liên quan chỉ dẫn chiếu để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.
|
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp). |
Nhấn mạnh quy định về điều kiện kinh doanh bất động sản là rất cần thiết, đại biểu cho rằng, cần biết rõ năng lực tài chính của nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi của bên mua, bên thuê nhà. Đại biểu phản ánh, thời gian qua, không ít chủ đầu tư có vốn sở hữu thấp, chủ yếu là vốn ngân hàng, khi có sự cố xảy ra sẽ gây hậu quả lớn cho người mua và ngân hàng.
Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ quy định chủ đầu tư phải có vốn không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư dự án dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án trên 20 ha. Đại biểu cho rằng cần nêu rõ giới hạn diện tích này là cho từng dự án, hay tính tổng các dự án.
Về điều kiện nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh, đại biểu cho rằng, cần quy định các công trình xây dựng trên đất có hình thức sử dụng đất được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì được phép bán, cho thuê, còn trả tiền cho thuê hàng năm thì chỉ được cho thuê, không được bán, để bảo vệ quyền lợi của người mua khi Nhà nước thu hồi đất.
Bỏ sót nhiều tổ chức không đủ điều kiện nhưng vẫn được kinh doanh bất động sản
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội cho biết, còn một số hạn chế và cần tiếp tục hoàn thiện Điều 10 và Điều 59 dự thảo Luật.
Đại biểu chỉ rõ, về điều kiện để tổ chức được kinh doanh bất động sản hiện không thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự vừa không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến bỏ sót nhiều tổ chức tuy không đủ điều kiện nhưng vẫn được kinh doanh bất động sản như tổ chức đang bị cấm kinh doanh hoặc đang bị cấm huy động vốn và tổ chức đang bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
|
|
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội (ảnh: VPQH cung cấp). |
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật về điều kiện đối với tổ chức kinh doanh bất động sản là: “Không trong thời gian đang bị cấm kinh doanh, đang bị cấm huy động vốn hoặc đang bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề có thời hạn”.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 10 điều kiện cấm đối với cá nhân bán chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính và với chính khoản 1 Điều 10.
Về Điều 59, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nêu rõ quy định về điều kiện của người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản có hạn chế là đã để lọt 2 nhóm đối tượng cũng phải bị cấm quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản là những người đang chấp hành án phạt về tội phạm trong hoạt động hoặc liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản và nhóm những người đang bị tạm giữ chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản hoặc đang bị tước chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản có thời hạn về hành vi vi phạm trong hoạt động hoặc có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản.
|
|
Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội chiều 23/6 (ảnh: VPQH cung cấp). |
Để khắc phục hạn chế của dự thảo, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà tách khoản 2 Điều 59 dự thảo Luật thành hai khoản, trong đó, một khoản quy định về năng lực hành vi dân sự, một khoản quy định về trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, bổ sung và viết lại Điều 59 dự thảo Luật theo hướng: Có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học và chứng chỉ hành nghề; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không đang trong tình trạng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án về tội phạm trong hoạt động hoặc liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản; không đang bị tạm giữ chứng chỉ hoặc tước chứng chỉ.
Đảm bảo quyền tự do trong phương thức giao dịch bất động sản của người dân
Phát biểu thảo luận, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, về giao dịch bất động sản, tại Điều 57 có quy định: “Các giao dịch bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản, theo quy định của Luật này". Đồng thời, tại Điều 60, một trong các quy định về hồ sơ đăng ký hoạt động của sàn giao dịch bất động sản là có “cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu”.
Đại biểu bày tỏ đồng tình với các lý do giải trình tại Báo cáo số 127 là đưa quy định này vào trong Dự thảo Luật, trong đó có lý do là nhằm tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người dân trong giao dịch bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tự do trong hoạt động, phương thức giao dịch bất động sản của người dân.
|
|
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp). |
Vì vậy, đối với nội dung này, đại biểu đề nghị làm rõ thêm sàn giao dịch bất động sản ở đây là bao gồm sàn giao dịch trực tiếp hay cả sàn giao dịch trực tuyến trên các phương tiện điện tử; và làm rõ thêm nội hàm tiêu chí của cụm từ “cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu”.
Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị cân nhắc, bổ sung thêm một phương án mở hơn, là theo hướng phân loại, phân khúc các các loại giao dịch bất động sản. Trong đó, có loại giao dịch bắt buộc phải thực tiện thông qua sàn giao dịch bất động sản, nhưng cũng có loại chỉ cần giao dịch trực tiếp mà không cần qua sàn giao dịch.
Phải điều tiết được thị trường bất động sản
Phát biểu góp ý dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nêu thực tế, thị trường bất động sản lên xuống, luôn rình rập yếu tố rủi ro, nếu chính sách của nhà nước không điều tiết kịp thời, không có giải pháp hữu hiệu có thể ảnh hưởng gây khủng hoảng tài chính, cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế.
|
|
Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp). |
Vì vậy, chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản rất quan trọng nhưng hiện nay chúng ta chưa điều tiết được thị trường này. Đại biểu mong muốn việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản lần này cần xóa bỏ được tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất”.
Đại biểu đề nghị ban soạn thảo đầu tư nhiều hơn vào Điều 8 của dự thảo luật, xây dựng dày dặn hơn, để thể chế hóa đầy đủ hơn chủ trương của Đảng cũng như thực tiễn đặt ra.
Để đảm bảo chính sách của Nhà nước cần có 4 yếu tố là tính ổn định của chính sách; tạo được sự thuận lợi thông thoáng, động lực sau khi sửa đổi các nhà đầu tư có thể đầu tư mạnh mẽ vào thị trường này; phải điều tiết lại phân khúc nhà ở (phân khúc nhà ở cao cấp tồn dư trong khi nhu cầu nhà ở công nhân thiếu); phải quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, ứng phó kịp thời chủ động với tình trạng nóng lạnh của thị trường.
Đại biểu cho rằng, các mục tại Điều 8 của dự thảo luật còn chung chung, cần có chính sách cụ thể để khuyến khích; đồng thời kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ thuế…