leftcenterrightdel
Ông Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, các địa phương không thể vì các lý do như bảo mật, an ninh, an toàn để không cải cách 

Còn theo ông Ngô Hải Phan, thành viên Tổ công tác, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP, việc triển khai Chính phủ điện tử đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Các địa phương đã bắt đầu triển khai nền tảng chính quyền điện tử…Đã hoàn thành việc kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia theo hướng dẫn của VPCP để triển khai gửi, nhận văn bản điện tử.

Theo đó, từ ngày 12/3 đến 20/8, đã có hơn 86.000 văn bản gửi và hơn 263.000 văn bản nhận qua trục liên thông. Đáng chú ý, hầu hết trong số 353 thủ tục hành chính đã được các địa phương triển khai cung cấp trực tuyến theo quyết định của Thủ tướng, 91 thủ tục đang được các địa phương triển khai… Một số địa phương có số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 khá cao.

Công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính của các địa phương thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, thể hiện qua việc cải thiện thứ bậc của các chỉ số, như chỉ số cải cách hành chính năm 2018, Hà Nội đứng thứ hai, Hải Phòng tiếp tục giữ vị trí tốp 5…

Tuy nhiên, ông Hải cho hay vẫn còn những nhiệm vụ chậm triển khai và chưa đáp ứng yêu cầu, như Phú Thọ mới đang trình Chủ tịch UBND tỉnh kế hoạch triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử, trong khi thời hạn là 31/3…Hay như tỉnh Hải Dương, tuy báo cáo đã cung cấp 1.706 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 118 dịch vụ mức độ 4, nhưng qua đánh giá các dịch vụ này trên cổng dịch vụ công của tỉnh không đáp ứng yêu cầu triển khai như hồ sơ vẫn yêu cầu bản sao có chứng thực.

leftcenterrightdel
Cải cách thủ tục hành chính góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (ảnh minh họa: Minh Nhật)

Từ những đánh giá trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: “Có nơi kêu là xây dựng hạ tầng công nghệ vướng Luật đầu tư công, nhưng VPCP không đầu tư mà theo hướng các doanh nghiệp đầu tư, nhà nước thuê lại, không cần đầu tư, không cần biên chế”, đồng thời ông cũng lưu ý các địa phương cần cân nhắc việc sử dụng các phần mềm như Zalo trong cung cấp dịch vụ công, nhất là về vấn đề an ninh, an toàn thông tin…

Song ông cho rằng, các địa phương không thể vì các lý do như bảo mật, an ninh, an toàn để không cải cách.

Đặc biệt, ông thẳng thắn nói: “tỉnh Vĩnh Phúc khi số liệu thể hiện trong báo cáo tổng hợp cho thấy địa phương này chưa có thủ tục nào triển khai dịch vụ trực tuyến cấp độ 3, 4. Quan trọng là phát sinh bao nhiêu hồ sơ làm thủ tục trực tuyến, chứ chỉ công bố thủ tục thì không có ý nghĩa gì”.

Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Tiến Hạnh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc  cho biết tỉnh “chưa làm đến nơi đến chốn” nhiệm vụ này. Mặt khác, trong 8 địa phương được kiểm tra, Vĩnh Phúc cũng là nơi có tỷ lệ văn bản ký số gửi đến VPCP thấp nhất, chỉ gần 18%.

Hoặc ngay tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nêu một lý do chưa đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hiện tỉnh này chưa phát sinh bất kỳ hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến cấp độ 4 nào, là do tỉnh có diện tích nhỏ, người dân, doanh nghiệp đi tới các sở chỉ mất 30 phút. “Không chỉ người dân, doanh nghiệp ở Bắc Ninh mà còn cả ở nơi khác nữa, không nên suy nghĩ như vậy, không nên lấy lý do như vậy”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Minh Nhật