leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 13/6.

Ưu tiên công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn lực y tế và chế độ chính sách đặc thù cho cán bộ và nhân viên y tế phục vụ tại vùng này.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái.

Đại biểu chỉ ra rằng, điều kiện cơ sở vật chất các cơ sở y tế hiện nay chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh, trong khi đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh còn thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng. Với chủ trương việc khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian tới sẽ triển khai toàn diện tuyến cơ sở, cấp huyện, cấp xã trừ trường hợp bệnh mắc bệnh hiểm nghèo mới chuyển lên tuyến trên, nếu không đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nguồn nhân lực phù hợp thì chủ trương này sẽ không khả thi.

Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt chú trọng chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tạo việc làm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế tại vùng này nhằm tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ y tế yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương.

Tăng cường đầu tư cho lĩnh vực hoạt động khám, chữa bệnh

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, nội dung Điều 4 và các điều khoản liên quan cần tiếp tục được nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn các chính sách của Nhà nước về tăng cường đầu tư cho lĩnh vực hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, về cả về cơ sở vật chất và con người nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập đang đặt ra, nhất là đối với cấp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cơ sở hiện nay.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, việc sửa đổi, bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh lần này cần có định hướng, chính sách cụ thể đối với các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trong đó cần ưu tiên bố trí ngân sách cho phát triển y tế cơ sở, đặc biệt là y tế cơ sở tại những vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cơ bản của nhân dân.

Bên cạnh đó, trong dự án Luật cần nhấn mạnh đến việc tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, có chính sách ưu đãi, chính sách đặc thù về tiền lương, phụ cấp, chính sách bảo hiểm nghề nghiệp đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đây là những vấn đề cụ thể, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn nên đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để tiếp tục sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn trong dự án Luật.

Cần quy định đầy đủ về khám, chữa bệnh từ xa

Góp ý vào dự thảo Lluật, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu hầu hết các ý kiến góp ý để sửa chữa, bổ sung những vấn đề luật hiện hành bị thiếu.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.

Đại biểu đề nghị bổ sung thêm tại Điều 18 chức danh nghề nghiệp cần bổ sung thêm đối tượng “y sĩ, y học cổ truyền”, đại biểu lưu ý đối tượng này là rất nhiều và không phải tất cả đều là lương y. Tại Điều 42 quy định hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung thêm hình thức là các loại hình trung tâm y tế, trung tâm sức khỏe, Trung tâm chẩn đoán.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, khiếm khuyết lớn nhất của Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) mà Ban soạn thảo để trình lần này là quy định về khám, chữa bệnh từ xa đã không được soạn thảo đầy đủ. Theo đại biểu, chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng 4.0 nhưng trong Luật Khám, bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này chỉ duy nhất ở Điều 55 khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa đề cấp rất ít. Việc quy định như vậy là không đủ, thiếu tầm nhìn và nếu Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này nếu được thông qua thì sẽ có nhiều điều bất lợi xảy ra.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn là cả hoàn thiện thể chế, đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành y tế…

Sẽ có những quy định tối ưu nhất trong dự thảo Luật

Phát biểu giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trân trọng cám ơn các đại biểu Quốc hội đã dành rất nhiều tâm huyết, thời gian, có rất nhiều ý kiến xác đáng trong suốt quá trình thảo luận, xây dựng dự thảo Luật. Tất cả các ý kiến đóng góp đó không chỉ làm rõ nhiều vấn đề trực tiếp liên quan đến dự thảo luật lần này, mà còn làm rõ tâm huyết, nỗ lực của toàn ngành y tế, thẳng thắn chỉ ra những bất cập, nhưng cũng làm nổi bật các kết quả của ngành y tế nói chung, công tác khám, chữa bệnh nói riêng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

leftcenterrightdel
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Thủ tướng cho biết, trong điều kiện nước ta là một nước đang phát triển vươn lên có thu nhập trung bình, nước ta được rất nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức chuyên về chăm sóc sức khỏe và y tế đánh giá là nước có các mặt công tác y tế tốt hơn nhiều so với nhiều nước có cùng mức thu nhập trên thế giới. Kết quả đó không chỉ đến từ những nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách, sự điều hành của cả hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương, mà còn đến từ sự nỗ lực đáng trân trọng của đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là trong thời khắc khó khăn và sự tham gia của đông đảo người dân.

Phó Thủ tướng cho biết, qua 27 ý kiến phát biểu, ý kiến tranh luận, nhiều vấn đề đã được phân tích làm sâu sắc thêm, cũng có thêm nhiều vấn đề mới tiếp tục được đặt ra. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả những ý kiến trên tinh thần khoa học, cầu thị phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời phải tính đến tính đặc thù của hệ thống chính trị, kinh tế xã hội của Việt Nam để có các quy định tối ưu nhất trong dự thảo Luật…

Vũ Cảnh