leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Nhật Nam - Phó Viện trưởng Viện KSND TP.HCM phát biểu tại Hội thảo 

 

Đồng chí Nguyễn Nhật Nam – Phó Viện trưởng Viện KSND TP.HCM dự và chỉ đạo Hội thảo. Cùng dự có ông Matsuo Nobuhiro chuyên gia pháp lý dự án JICA – Nhật Bản, các đồng chí đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng Cảnh sát hình sự – Công an TP. HCM, Sở Du lịch, Sở Tài chính TP.HCM, đại diện lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ Viện KSND TP.HCM và lãnh đạo Viện KSND 24 quận, huyện tại TP. Hồ Chí Minh.

Tại Hội thảo, các đại biểu và chuyên gia Dự án JICA – Nhật Bản trình bày các tham luận về tình hình tội phạm xâm phạm sở hữu có bị hại là người nước ngoài (người NN); Những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết các vụ án loại hình này; Kinh nghiệm giải quyết các vụ án xâm phạm sở hữu có bị hại là người NN tại Nhật Bản.

leftcenterrightdel
 Chuyên gia đại diện Văn phòng Dự án JICA trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Một số giải pháp được trình bày tại Hội thảo đó là, thường xuyên xây dựng các kế hoạch chuyên đề về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu, mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp tội phạm trộm cắp, cướp, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản…; Nâng cao hiệu quả công tác sưu tra, xác minh hiềm nghi và xây dựng, sử dụng mạng lưới cộng tác viên bí mật, quản lý chặt chẽ di biến động của các đối tượng…; Kịp thời xác minh, điều tra khi nhận được tin báo, tố giác tội phạm xâm phạm sở hữu…; Đổi mới tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, xâm phạm sở hữu nhất là phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…, đặc biệt là phương thức, thủ đoạn mới cho người dân, các cơ quan, doanh nghiệp, các điểm kinh doanh, khách du lịch, người NN lưu trú trên địa bàn thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp tổ dân phố, phát tờ rơi, tờ bướm…

Tăng cường công tác tuần tra, nhất là các tuyến đường, phường trọng điểm – nơi có nhiều người NN lưu trú; Tăng cường đội ngũ và nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ cho lực lượng Cảnh sát nhân dân (Lực lượng CSĐT, Cảnh sát khu vực, trực ban chuyên trách) tại Công an quận, huyện tập trung nhiều người NN giúp thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính cũng như khai báo các vụ bị chiếm đoạt tài sản của người NN.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội thảo

 

Lực lượng Công an phường, xã cần có quy trình riêng trong việc tiếp nhận và xử lý các vụ án xâm phạm tài sản người NN, đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về sau, nhất là các vấn đề liên quan đến các quy trình của Bộ luật tố tụng hình sự như việc lấy lời khai người trình báo, lời khai nhân chứng, các vấn đề liên quan đến vật chứng của vụ án, vấn đề người phiên dịch. Đặc biệt, cần trang bị hệ thống camera an ninh quan sát ở các khu vực trung tâm thành phố theo hệ thống cụm camera, camera hồng ngoại có thể phát hiện các đối tượng để truy xét, bắt giữ kịp thời.

Kết thúc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Nhật Nam – Phó Viện trưởng Viện KSND TP.HCM đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu và chuyên gia đi vào chiều sâu, phân tích rõ các hành vi phạm tội trong các vụ án xâm phạm sở hữu có bị hại là người NN trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời ghi nhận sự chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, các giải pháp đấu tranh, phát hiện, xử lý tội phạm từ các đại biểu và chuyên gia, sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan tố tụng nói chung và Viện KSND TP.HCM nói riêng có nhiều giải pháp hữu ích nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án xâm phạm sở hữu có bị hại là người NN. Từ đó góp phần giữ vững trật tự trị an và tạo môi trường sinh hoạt học tập, làm việc an toàn cho người NN tại TP.HCM.

Phi Sơn