leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 23/5 (ảnh: VPQH cung cấp).

Đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay nội địa

Góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi),đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Theo Đại biểu, nếu để giá trần, giá sàn sẽ không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng XII. Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng cho rằng vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu. Cũng như vận tải đường sắt, các hãng vận tải phải có sự cạnh tranh công bằng trong dịch vụ vận tải, phản ánh đúng quy định thị trường và quy luật cung cầu.

Do đó, từ kinh nghiệm quốc tế đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng việc không quy định giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ nhằm kích cầu và khuyến khích người dân tham sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.

Việc mua sách giáo khoa trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh

Quan tâm đến vấn đề giá sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cho biết, trước đây khi trao đổi về giá sách giáo khoa đã nêu lên một thực tế là việc mua sách giáo khoa trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh học sinh. Nguyên nhân chính là do các đơn vị phát hành sách thông qua nhà trường bao giờ cũng bán kèm sách giáo khoa với một số lượng sách tham khảo rất lớn. 

Do đó, đại biểu hoan nghênh Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tiếp thu ý kiến của đại biểu để ban hành chỉ thị yêu cầu chấm dứt tình trạng đóng gói chung sách giáo khoa và sách tham khảo để buộc học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Đại biểu ghi nhận qua theo dõi thực tế cho thấy về cơ bản chỉ thị đã được thực hiện nghiêm túc.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 4, trong phiên thảo luận ở hội trường đã đề nghị Luật Giá (sửa đổi) giao Chính phủ quy định giá sách giáo khoa dưới hình thức khung giá bao gồm giá tối đa và giá tối thiểu như đối với các mặt hàng khác được Nhà nước định giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính – Trưởng Ban soạn thảo Hồ Đức Phớc đã phát biểu trước Quốc hội tiếp thu ý kiến này. Tuy nhiên khi nghiên cứu dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này để xem xét thông qua, dự thảo không phản ánh ý kiến tiếp thu. Ban soạn thảo cũng không có giải trình ý kiến này. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy dẫn lại các quy định có trong Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 thể hiện quan điểm khác với Nghị quyết 88 khi không trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục mà cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp của Quốc hội chiều 23/5 (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu đề nghị trong trường hợp Quốc hội nhận thấy chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Quốc hội khóa XIII đề ra có nhiều bất cập thì nên sửa Nghị quyết 88 chấm dứt việc thực hiện chủ trương này. Trong trường hợp ngược lại thì Quốc hội nên bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương. Đại biểu đề nghị cần giải trình, làm rõ những vấn đề đã nêu nói trên.

Không nên quy định cụ thể danh mục bình ổn giá

Góp ý vào Danh mục bình ổn giá, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, danh mục này vẫn chưa thực sự thuyết phục, tại sao chọn thịt lợn, vật tư phân bón của ngành nông nghiệp… vào danh mục bình ổn giá trong khi đó qua đợt dịch COVID-19 vừa qua cho thấy gạo, nước mắm, thực phẩm mới là thực phẩm thiết yếu. Vì vậy, không nên quy định cụ thể trong danh mục, nên chăng danh mục này nên mở để Bộ Tài chính quyết định trong trường hợp cần thiết.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng nêu thực trạng sau khi mua bán thuốc, trang thiết bị y tế, các cơ quan điều tra có kết luận tăng giá bán bất hợp lý, đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn. Vì vậy, dự thảo luật cần quy định biên độ cụ thể về mức tăng giá để không xảy ra tình trạng tùy tiện, áp đặt trong quá trình điều tra, tránh trường hợp oan uổng hoặc không đủ dũng cảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…

Các vấn đề cốt lõi đã được tiếp thu tương đối đầy đủ

Phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trân trọng tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời cho biết, các vấn đề cốt lõi được nêu ra tại các phiên họp trước đã được tiếp thu tương đối đầy đủ. 

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm tại phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Đối với giá sàn và giá trần của hàng không nội địa, Bộ trưởng cho biết việc giữ giá trần giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa. Vì vậy, cần giữ giá sàn hàng không nội địa.

Về giá sàn, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn, các hãng hàng không có dải giá rất rộng cho nhiều loại chuyến bay, nhiều hạng vé, cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ giá sàn với dịch vụ này.

Về chi phí cho dịch vụ thẩm định giá, hiện nay có hơn 300 doanh nghiệp thẩm định giá, Bộ trưởng cho rằng cần để chi phí theo quy luật thị trường. Về việc công khai thông tin về giá, niêm yết giá, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu và thể hiện rõ hơn trong dự thảo Luật. 

Đối với một số mặt hàng bình ổn giá, trong dự thảo Luật có đề xuất Quốc hội quyết định các mặt hàng bình ổn giá, khi có biến động, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để từ đó thực hiện quy trình xem xét, quyết định.

Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, xác định rằng việc duy trì Quỹ này là cần thiết, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để có quy định cụ thể, hợp lý về nội dung này...

Vũ Cảnh