2017 đã khép lại thành công bằng Tuyên bố Đà Nẵng
 
Hình thành từ tháng 11/1989, đến nay, APEC đã là một tổ chức quốc tế - không thường trực, mang tính "mở" đa quốc gia- phát triển, nối kết châu Á - Thái Bình Dương, có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới và là một diễn đàn quan trọng bày tỏ quan điểm kiến tạo và phát triển của 21 thể chế chính trị - xã hội, hướng đến giải quyết những vấn đề bức thiết về kinh tế và thương mại của loài người. Đó là một thị trường "tổng", mang tính "bao trùm" sâu rộng với gần 3 tỷ dân, đóng góp khoảng 60% GDP và 49% thương mại toàn cầu. Từ tiêu chí "gốc" là "hợp tác đồng thuận, không ràng buộc và tự nguyện", APEC 2017 hướng tới và phát triển thành tiêu chí "mới", với tầm cao đã khẳng định trong Tuyên bố Đà Nẵng là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung". Vắt qua "đôi bờ" thế kỷ, xuyên tới vài thập niên tương lai, APEC đã, đang và sẽ tự chứng minh sức sống bền bỉ giữa hàng loạt biến động và khủng hoảng; trở thành nơi hội tụ của các trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ lớn mang tính toàn cầu; nơi nuôi dưỡng và phô diễn sức mạnh đổi mới và sáng tạo mang tính thời đại của tất cả các quốc gia thành viên... Nhưng, quả thật, APEC 2017 không chỉ là sự tiếp nối một xu thế, một tiến trình mà còn chứa đựng và kiến tạo thêm những giá trị lịch sử của chính APEC. Bởi lẽ, cuộc Cách mạng - công nghệ lần thứ tư (gọi tắt là cuộc cách mạng 4.0) đã hình thành và phát triển nhanh hơn dự báo, phá vỡ những rào cản (trong đó có rào cản tư duy) truyền thống, tác động rất mạnh, thậm chí thay đổi hẳn từng "chuỗi" lớn trong phương thức hoạt động kinh tế- thương mại toàn cầu. Khách quan, APEC 2017 đương nhiên phải đưa vào Chương trình nghị sự vấn đề to lớn đó, vừa phải đối mặt vừa phải giải quyết nó. Mặt khác, từ Hội nghị - Diễn đàn In- đô- nê- xi-a cho đến nay, so với "Mục tiêu Bô- go" về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 đối với 21 quốc gia thành viên thì vẫn còn đó hàng loạt vấn đề cần phải tháo gỡ. Chỉ còn hai năm cho mốc giới thời gian ấy, nhưng rõ là liên kết giữa nhiều quốc gia thành viên đang chậm lại, bảo hộ mậu dịch có xu hướng trội lên, độ bền trong hợp tác đa phương đáng quan ngại hoặc mất cân bằng. Đặc biệt, rủi ro về tăng trưởng trung và dài hạn dự báo sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khó kiểm soát, kết cấu phát triển kinh tế khu vực chưa vững chắc, nhiều cản trở đã và đang hiện diện trong xu thế toàn cầu hóa. Tuy xu hướng giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp đã đạt được nhiều thắng lợi và để lại được nhiều dấu ấn, có hiệu quả tích cực; nhưng vẫn tồn lưu hàng loạt vấn đề nan giải khác cần phải giải quyết, càng sớm càng tốt, như sự thụ hưởng phải cao lên và công bằng hơn đối với người dân, cách thức phát huy tiềm năng của nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), việc làm và sự biến đổi khó lượng tính đủ trong xu thế Cuộc cách mạng 4.0, tác động của biến đổi khí hậu vào chiều sâu của tăng trưởng, v.v... Vì thế, khi APEC 2017 bàn luận ở tầm cao và thống nhất cùng giải quyết những vấn đề hệ trọng trên, giữa bối cảnh chuyển đổi của thế giới, thì tự thân đã xác định được một giá trị - lịch sử, với tầm nhìn lịch sử - vượt trội, vì sự phát triển, phồn vinh, thịnh vượng không chỉ riêng của nội khối APEC, mà còn tác động sâu sắc đến tiến trình đi tới của thế giới...
 
Tầm nhìn APEC 2017 đã thể hiện bao trùm trong Tuyên bố Đà Nẵng, song quan trọng nhất vẫn là nội dung 21 nước thành viên "cam kết cùng hợp tác và thực hiện hành động". Về thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, phát triển bao trùm, việc làm bền vững, Lãnh đạo cấp cao các nước thành viên đã cam kết cùng nhau chú trọng tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, kết hợp với đổi mới sáng tạo. Điều đó bao hàm ý nghĩa chất lượng tăng trưởng quyết định xu thế đi lên và tính hiệu quả của kinh tế, thương mại, đầu tư có vai trò then chốt để bảo đảm tăng trưởng cân bằng, bền vững, thúc đẩy phát triển nói chung ("bao trùm"- kinh tế, tài chính, xã hội), tạo thuận lợi cho môi trường, năng lực cạnh tranh trong kinh doanh và tiến trình phát triển đúng hướng nguồn nhân lực. Tuyên bố cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khoa học và công nghệ, giáo dục và kỹ thuật, tinh thần kinh doanh dựa trên thuật toán (STEM), xem đó như những động lực then chốt của tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế. Trong thế giới toàn cầu hóa và những biến đổi của công nghệ- kỹ thuật số, chấp nhận cả cơ hội và thách thức, APEC- 2017 "quyết tâm thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội (...), bảo đảm khả năng tiếp cận với người dân, phát triển bền vững và tự cường vào năm 2030". Không chỉ hướng tới và chú trọng người dân (nói chung), Tuyên bố còn "ghi nhận" sự tham gia "rộng rãi hơn",  khuyến khích "trao quyền" và "cải thiện khả năng tiếp cận" của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, "nâng cao vai trò lãnh đạo, tinh thần kinh doanh, kỹ năng, năng lực làm việc" của phụ nữ. Các nhà Lãnh đạo APEC đã nhất trí phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong kỷ nguyên số "thông qua giáo dục và học tập suốt đời, giáo dục và đào tạo nghề và kỹ thuật, đào tạo lại và nâng cao tay nghề". Ở phần Tạo động lực mới cho liên kết kinh tế khu vực, Tuyên bố Đà Nẵng cho thấy, các nhà Lãnh đạo thuộc APEC đang quyết tâm thúc đẩy thương mại, đầu tư theo hướng mở và tự do; nỗ lực xử lý các rào cản thương mại và đầu tư; hướng tới hiện thực hóa FTAAP; đưa TFA đi vào hiệu lực; thực hiện hệ thống thương mại đa phương, bao gồm cả thương mại điện tử và thương mại số; cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, không gia tăng bảo hộ đến hết năm 2020. Đặc sắc thêm, Tuyên bố còn cam kết Tăng cường kết nối toàn diện và bao trùm ở khu vực và tiểu vùng, "thông suốt vào năm 2025" và "tận dụng tối đa các chuỗi giá trị toàn cầu", chú trọng nông thôn, năng lực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs),  phát triển du lịch vùng sâu, vùng xa,  "tăng cường kết nối con người",v.v... Trong phần Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của MSMEs, đáng chú ý là Tuyên bố đã lưu tâm đến đạo đức kinh doanh, chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, hoan nghênh thông qua Chiến lược APEC về MSMEs "xanh, bền vững và sáng tạo". Các nhà Lãnh đạo cấp cao APEC thông qua Tuyên bố Đà Nẵng đã dành sự quan tâm hàng đầu đến Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, "tái khẳng định cam kết hình thành hệ thống lương thực APEC bền vững vào năm 2020". Đồng thời, đề ra nhiều giải pháp "phát triển nông thôn - đô thị, tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng", "quản lý tổng hợp, bền vững các nguồn tài nguyên". Để "Cùng vun đắp tương lai chung", Tuyên bố đề cập đến 6 luận điểm. Song, thực sự phấn khởi khi Tuyên bố đã khẳng định "cam kết lâu dài, nhằm bảo đảm một châu Á - Thái Bình Dương năng động, bao trùm và thịnh vượng, hướng tới một tương lai chung, có khả năng thích ứng các thách thức, có trách nhiệm với người dân, người lao động và doanh nghiệp". Từ Đà Nẵng, Tuyên bố chung đã ghi nhận và không quên cảm ơn" vai trò lãnh đạo APEC của Việt Nam" trong năm 2017... 
 


Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã bách bộ đi ăn sáng bánh mì lề đường ở Đà Nẵng
Như vậy, chưa bao giờ APEC tạo được sự đồng thuận và nhất trí hành động cao, cùng lúc về hàng loạt vấn đề lớn, nhỏ, đan xen, hài hòa và đa dạng như hiện nay. Qua đó, vừa chứa đựng tầm nhìn lịch sử vừa cho thấy triển vọng và khả năng hiện thực hóa Nội dung Tuyên bố Đà Nẵng. Còn cho thấy rõ hơn vị thế, tầm ảnh hưởng và trách nhiệm của Việt Nam trong APEC, khi vừa đăng cai tổ chức thành công Hội nghị - Diễn đàn Cấp cao APEC 2017.   
 
Kỳ Nam - Vi Ngôn