Theo cơ quan chủ trì xây dựng, Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành với nhiều quy định mới được bổ sung so với Luật Thanh tra năm 2010 như: Về việc thành lập Thanh tra Tổng Cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Thanh tra sở; về hoạt động thanh tra, Luật quy định các bước tiến hành cuộc thanh tra gồm chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra; quy định về thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra và giám sát hoạt động đoàn thanh tra; về việc ban hành kết luận thanh tra, trong đó đã có những quy định cụ thể chặt chẽ hơn về việc báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước…
Luật Thanh tra đã giao Chính phủ quy định chi tiết các chương, điều, khoản, bao gồm: Điều 38 về Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; Điều 56 về thanh tra lại; Điều 60 về Đoàn thanh tra; Điều 79 về công khai kết luận thanh tra; Điều 87 về trưng cầu giám định; Điều 90 về yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; Điều 91 về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra; Khoản 4 Điều 96 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung kết luận thanh tra và kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra; Điều 105 về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; Khoản 3 Điều 106 về xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra...
Do vậy, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra là hết sức cần thiết.
Về quan điểm, nguyên tắc xây dựng Nghị định, dự thảo Nghị định được xây dựng bám sát đường lối, chủ trương của Đảng về công tác thanh tra, quy định của Luật Thanh tra và những văn bản pháp luật có liên quan như Luật Kiểm toán, Luật Phòng, chống tham nhũng bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Quy định chi tiết và đầy đủ những nội dung mà Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành tại Luật Thanh tra, đồng thời có các quy định cụ thể về biện pháp thi hành Luật nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các quy định pháp luật.
|
|
Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ làm việc về công tác thanh tra. (Ảnh minh hoạ) |
Đồng thời, Nghị định phải góp phần giải quyết những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn công tác thanh tra; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; tạo thuận lợi cho việc thực hiện quyền của người tiến hành thanh tra nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
Về bố cục, dự thảo Nghị định được kết cấu thành 9 chương, 66 điều. Trong đó, liên quan đến những việc Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành không được làm, dự thảo Nghị định quy định: Những việc mà pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các quy định khác của pháp luật có liên quan quy định không được làm.
Các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 Luật Thanh tra và các quy định khác của pháp luật; tiến hành thanh tra khi không có quyết định thanh tra; sử dụng quyền thanh tra khi không có quyết định thanh tra.
Thông đồng với đối tượng thanh tra và những người có liên quan trong vụ việc thanh tra để làm sai lệch kết quả thanh tra.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để bao che cho đối tượng thanh tra và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối với việc xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra, dự thảo Nghị định quy định xử lý hành vi vi phạm của người thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra; người thuộc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, theo đó tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có có hành vi vi phạm phải bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm đối với cán bộ; cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức đối với công chức; khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc đối với viên chức hoặc truy bị cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cụ thể gồm các hành vi sau: Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực, chiếm đoạt, thủ tiêu tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra.
Chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù, trù dập người làm nhiệm vụ thanh tra, người cung cấp thông tin, tài liệu cho hoạt động thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.
Vu cáo, vu khống đối với người làm nhiệm vụ thanh tra; đưa hối lộ; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được ghi trong kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.
Xử lý hành vi vi phạm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra là cán bộ, công chức, viên chức phải bị xử kỷ luật khiển trách khi có hành vi sau: Không chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
Không yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý sai phạm hoặc thực hiện quyết định, yêu cầu, kiến nghị của người ban hành kết luận thanh tra.
Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
Trường hợp gây hậu quả thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.