Bộ Tư pháp cho biết, ngày 04/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55/2011/NĐ-CP). Sau hơn 10 năm thực hiện, công tác pháp chế đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật được nâng cao; tổ chức pháp chế được thành lập, củng cố và kiện toàn; nguồn nhân lực làm công tác pháp chế từng bước được phát triển với chất lượng ngày càng cao; cơ chế phối hợp trong lãnh đạo và triển khai công tác pháp chế từng bước được xác lập, hiệu quả hơn…

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, thực tiễn cho thấy, để thực hiện nhiệm vụ được giao, một số cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo nghề đã thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí người làm công tác pháp chế chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. 

Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của tổ chức pháp chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được quy định cụ thể trong Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kiện toàn về bộ máy cũng như triển khai thực hiện nhiệm vụ của tổ chức pháp chế tại các đơn vị này.

Sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành, nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế về xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, rà soát hệ thống hóa VBQPPL, bồi thường nhà nước, hợp nhất VBQPPL, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế… 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Do đó, một số quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP không còn bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; còn thiếu quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định số 55/2011/NĐ-CP chưa quy định về tổ chức pháp chế ở các Tổng cục và tương đương có mô hình tổ chức ngành dọc, do đó, các Tổng cục và tương đương chưa có đầu mối để triển khai công tác pháp chế ở địa phương, gây khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ được giao ở cơ sở, chưa đảm bảo mô hình pháp chế từ trung ương đến địa phương.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP là cần thiết nhằm kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc trong thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi cho người làm công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác pháp chế, yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế.

Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP phải thể hiện các quan điểm gồm: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác pháp chế, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, thông suốt hoạt động của các tổ chức pháp chế theo tinh thần và nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất, đồng bộ với các VBQPPL hiện hành có liên quan đến công tác pháp chế. Đồng thời, kế thừa các nội dung còn phù hợp của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, vướng mắc; bảo đảm tính khả thi.

Về nội dung, dự thảo Luật gồm 4 điều, bao gồm các nội dung: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế; tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế; tiêu chuẩn người đứng đầu tổ chức pháp chế; trách nhiệm của Hội đồng quản lý, thủ trưởng đơn vị đơn vị sự nghiệp công lập.

Về vị trí, chức năng của tổ chức pháp chế, tương ứng với việc bổ sung tổ chức pháp chế tại đơn vị sự nghiệp công lập vào phạm vi, đối tượng điều chỉnh, dự thảo Nghị định bổ sung vào Điều 2 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP 01 khoản (khoản 3) quy định về vị trí, chức năng của tổ chức này như sau: “Tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập”.

Mặt khác, dự thảo Nghị định cũng bổ sung nội dung về tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể: Các đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đủ điều kiện thành lập thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí người làm công tác pháp chế chuyên trách.

Việc thành lập, tổ chức, hoạt động của tổ chức pháp chế và người làm công tác pháp chế chuyên trách thực hiện theo quy định của Nghị định này.

P.V