Tuân thủ quy định của Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) về kiểm soát tài sản, thu nhập

Theo Kế hoạch thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 ban hành tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 21/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện nhiệm vụ được giao, mới đây cơ quan này đã có Tờ trình và hồ sơ về quá trình triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định trên.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN được xây dựng dựa trên những quan điểm và nguyên tắc chính đó là: Tuân thủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định của Luật PCTN về kiểm soát tài sản, thu nhập và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quy định đầy đủ những nội dung về kiểm soát tài sản, thu nhập mà Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết; quy định rõ biện pháp để thi hành một số nội dung; đồng thời kế thừa những nội dung còn phù hợp của Nghị định hiện hành về minh bạch tài sản và thu nhập.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định quy định một số nguyên tắc nhằm bảo đảm việc kiểm soát tài sản, thu nhập được triển khai bảo đảm chặt chẽ, đúng đắn với các nguyên tắc như: Tuân theo pháp luật, đúng đối tượng, thực hiện thường xuyên, minh bạch, công bằng, khách quan; không làm cản trở các quyền đối với tài sản, thu nhập hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Kiểm soát trên cơ sở tự giác của người kê khai, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan và sự giám sát của xã hội. 

Mọi vi phạm của cá nhân, tổ chức trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật. Thông tin, dữ liệu về tài sản, thu nhập phải được sử dụng đúng mục đích để kiểm soát tài sản, thu nhập.

leftcenterrightdel
 Vi phạm trong kê khai tài sản sẽ bị xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật. (Ảnh minh hoạ)

Đặc biệt Dự thảo Nghị định đưa ra nguyên tắc: “Việc thực hiện các biện pháp kiểm soát tài sản thu nhập, xử lý hành vi vi phạm nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm phải căn cứ vào bản kê khai tài sản, thu nhập, việc giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm được thực hiện theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và quy định của Nghị định này”. Nguyên tắc này nhằm thể hiện rõ việc kiểm soát tài sản, thu nhập và xử lý vi phạm theo Nghị định này sẽ không áp dụng đối với các bản kê khai tài sản đã kê khai theo Luật PCTN năm 2005.

Đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu của công tác PCTN

Về việc xác minh tài sản, thu nhập hàng năm, Luật PCTN giao Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh và việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên.

Dự thảo Nghị định đã quy định việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu của công tác PCTN. 

Chậm nhất là ngày 30 tháng 1 hàng năm, người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm và phê duyệt, trong đó xác định cụ thể các cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh. 

Số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào kế hoạch xác minh hàng năm tối thiểu bằng 10% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát.

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lại đưa vào kế hoạch xác minh hàng năm tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát. 

Việc lựa chọn người được xác minh ngẫu nhiên được thực hiện bằng hình thức bốc thăm (hoặc sử dụng phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên). Số người được lựa chọn xác minh ngẫu nhiên tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nhưng ít nhất là 2 người tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh theo kế hoạch, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Xác minh khi có dấu hiệu về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực

Cũng theo dự thảo Nghị định, trong trường hợp cần thiết, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền trưng tập người tham gia tổ xác minh.

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của Đảng, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước quy định trưng tập cán bộ, công chức, viên chức tham gia tổ xác minh do mình quyết định thành lập.

Về tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được xác minh ngẫu nhiên theo kế hoạch hàng năm, theo quy định của Luật PCTN, ngoài việc xác minh ngẫu nhiên hàng năm thì việc xác minh còn được tiến hành trong nhiều trường hợp khác như: Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo; có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 của Luật này. 

Do đó, dự thảo Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được xác minh ngẫu nhiên theo kế hoạch hàng năm chỉ tập trung vào đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Một số trường hợp sẽ không lựa chọn để xác minh như những người đang bị điều tra, truy tố, xét xử, đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận, người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.

P.V