Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Hướng dẫn được ban hành nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (Nghị định 178), Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (Nghị định 67).

Về phạm vi điều chỉnh, Hướng dẫn nêu rõ: Công chức, viên chức; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trước thời điểm ngày 15/1/2019 (người lao động) trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức tại VKSND các cấp; không thực hiện đối với Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Đối tượng áp dụng: Công chức, viên chức, người lao động chịu sự tác động trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Bước đầu thực hiện chính sách, chế độ đối với các trường hợp là người đứng đầu đơn vị không được bố trí cấp trưởng, cấp phó có năng lực hạn chế, đơn vị cần cơ cấu lại số lượng chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định của pháp luật; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương tại các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao khi thực hiện bỏ cấp phòng và các trường hợp này còn dưới 5 năm công tác trở xuống đến tuổi nghỉ hưu.

Tiêu chí đánh giá và các trường hợp thực hiện đối với công chức, viên chức, người lao động

Tiêu chí đánh giá: Tập thể cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát, đánh giá đối với tất cả công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất theo các tiêu chí quy định tại Điều 6 Nghị định 178. Căn cứ quy chế về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 323/QĐ-VKSTC ngày 4/10/2021 của VKSND tối cao để xếp loại công chức, viên chức, người lao động, xác định đối tượng thực hiện chính sách, chế độ theo quy định Nghị định 178, Nghị định 67.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Lễ công bố và trao quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác cán bộ do VKSND tối cao tổ chức. (Ảnh minh hoạ)

Các trường hợp thực hiện chính sách, chế độ

Công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường có tuổi đời còn dưới 5 năm công tác trở xuống đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu, đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Công chức, viên chức là người đứng đầu đơn vị khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy không được bố trí cấp trưởng (Vụ trưởng và tương đương thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp huyện, Trưởng phòng và tương đương thuộc VKSND cấp tỉnh).

b) Công chức, viên chức là cấp phó có năng lực hạn chế, xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ (Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc VKSND tối cao, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao, Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Phó Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương VKSND cấp cao, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc VKSND cấp tỉnh).

c) Công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại VKSND các cấp khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy còn dôi dư số lượng lãnh đạo, quản lý so với quy định của Ngành.

d) Công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở những đơn vị không chịu sự tác động trực tiếp của việc sáp nhập nhưng tình nguyện xin nghỉ việc hưởng chế độ để tạo điều kiện cho việc sắp xếp công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý dôi dư từ đơn vị khác.

đ) Trường hợp thôi giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương khi thực hiện bỏ cấp phòng tại các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao.

Các trường hợp chưa xem xét thực hiện chính sách, chế độ

Công chức, viên chức, người lao động là nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện xin nghỉ việc hưởng chế độ.

Những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm.

Công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập nhưng còn trên 5 năm công tác đến tuổi nghỉ hưu.

Công chức, viên chức, người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Xác định thời điểm để tính hưởng trợ cấp: Thời điểm quyết định của cấp có thẩm quyền sắp xếp tổ chức bộ máy là thời điểm văn bản thành lập, quy định tên đơn vị mới có hiệu lực pháp luật. Trong thời hạn 12 tháng tính từ thời điểm này, công chức, viên chức, người lao động được cấp có thẩm quyền quyết định cho nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc thì được tính hưởng chính sách, chế độ theo quy định của 12 tháng đầu tiên. Sau thời hạn quy định nêu trên thì được tính hưởng chính sách, chế độ theo quy định của tháng thứ 13 trở đi.

Xem toàn văn nội dung Hướng dẫn tại đâyhuong-dan.pdf

P.V