Từ năm 2016, thực hiện mua sắm tập trung với ô tô công
Cập nhật lúc 23:34, Thứ tư, 30/03/2016 (GMT+7)
Bộ Tài chính yêu cầu, từ năm 2016 mua sắm tập trung cấp quốc gia sẽ được áp dụng đối với xe ô tô, bao gồm: xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng. (mua sắm, ô tô công)
Bộ Tài chính yêu cầu, từ năm 2016 mua sắm tập trung cấp quốc gia sẽ được áp dụng đối với xe ô tô, bao gồm: xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng.
Các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp nhu cầu mua sắm xe ô tô của Bộ, ngành, địa phương và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 30/5/2016. Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát nhu cầu mua sắm, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, định mức do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Trên cơ sở đó, đơn vị mua sắm tập trung quốc gia thực hiện việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu cung cấp xe ô tô và ký thỏa thuận khung với đơn vị trúng thầu; cơ quan đơn vị sử dụng xe trực tiếp ký hợp đồng mua bán, thanh toán, tiếp nhận xe với đơn vị trúng thầu trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký.
Đối với mua sắm tập trung cấp Bộ, ngành, địa phương, thì các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tùy theo tính chất, đặc điểm và điều kiện thực tế của mình để công bố danh mục mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trước ngày 30/6/2016.
Mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung đã được tổ chức thực hiện thí điểm từ năm 2007 theo Quyết định 179 ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ trương này nhằm góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; đảm bảo mua sắm tài sản đúng tiêu chuẩn định mức; phòng, chống lãng phí, tham nhũng…
Bộ Tài chính kỳ vọng, với việc đưa phương thức mua sắm tập trung đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công; tiết kiệm chi ngân sách do giảm giá mua, giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu.
Bên cạnh đó, khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả. Hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch; góp phần thực hiện mục tiêu chi tiêu công có hiệu quả.
Theo Dân trí
.