Trước việc xuất hiện tình trạng nhiều bất cập chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển nghề công chứng như: Văn phòng công chứng được thành lập không căn cứ vào nhu cầu công chứng; việc chuyển trụ sở Văn phòng công chứng từ các huyện vào trung tâm các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề công chứng, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật của một số tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, đồng thời, không đáp ứng được nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức tại các huyện, các vùng xa trung tâm.
|
|
Việc ban hành Nghị quyết nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động công chứng. |
Ngoài ra, chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có hiện tượng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch trong hoạt động công chứng, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, gây mất trật tự an toàn xã hội; công tác quản lý nhà nước còn thiếu công cụ hỗ trợ cần thiết trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên chưa phát huy được trách nhiệm tự quản.
Do đó, Nghị quyết được ban hành đã đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển nghề công chứng. Cụ thể: hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho hoạt động công chứng phát triển ổn định, bền vững; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng Chính phủ điện tử và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Phát triển tổ chức hành nghề công chứng bảo đảm ổn định, bền vững gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động công chứng, phát huy vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.
Cùng với đó, thực hiện chặt chẽ công tác thẩm tra hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, hồ sơ thay đổi địa điểm trụ sở của Văn phòng công chứng từ địa bàn cấp huyện này sang địa bàn cấp huyện khác, bảo đảm thực hiện đúng Tiêu chí đã được ban hành, phù hợp với định hướng của Nghị quyết này.
Đồng thời, đẩy mạnh việc chuyển đổi hoạt động của các Phòng Công chứng đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW; duy trì các Phòng Công chứng đã tự chủ về tài chính để giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp dịch vụ công chứng.
Nghị quyết cũng nêu rõ, chuyển đổi hoặc giải thể các Phòng Công chứng hoạt động không hiệu quả tại các địa bàn mà Văn phòng công chứng đã đáp ứng được nhu cầu công chứng; những nơi khó khăn chưa có điều kiện xã hội hóa hoạt động công chứng có thể thành lập Phòng Công chứng để đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức.
Theo Nghị quyết, triển khai thi hành Luật Công chứng, Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”, đến nay, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và 55 Hội Công chứng viên đã được thành lập với 2.709 công chứng viên đang hành nghề tại 1.186 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 1.068 Văn phòng công chứng. |