Bộ Công Thương đang dự thảo (lần 2) Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thông qua ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Thực hiện nhiệm vụ được giao và trên cơ sở rà soát và đánh giá các nội dung quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Nghị định để quy định chi tiết các điều, khoản của Luật.

Cụ thể gồm: Khoản 9 Điều 3 (về người có ảnh hưởng); khoản 2 Điều 10 (về các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bán hàng đa cấp); khoản 2 Điều 23 (về ngôn ngữ, hình thức của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung);

Khoản 4 Điều 39 (về trách nhiệm bổ sung của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số); khoản 2 Điều 73 (về tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện);

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ (TTXVN)

Điều 9 (về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh); Điều 13 (về việc tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam); Điều 28 (về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung); Điều 32 (về trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật); Điều 33 (về trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật);

Điều 37 (về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa); Điều 40 (về trách nhiệm công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng); Điều 45 (về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp) và Điều 47 (về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên).

Cũng theo cơ quan chủ trì xây dựng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là văn bản có phạm vi tác động tới nhiều lĩnh vực, nhiều chủ thể trong xã hội. Một số quy định của Luật có tác động tới số lượng lớn chủ thể, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh như: Quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật;…

Cùng với đó, một số quy định có tính mới trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cần có hướng dẫn chi tiết để bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực thi như: Khái niệm người có ảnh hưởng; tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện.

Từ những lý do trên, việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết.

Mục đích xây dựng Nghị định nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung được Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 giao; bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong cách tổ chức thực thi một số quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo căn cứ pháp lý để triển khai các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào thực tiễn cuộc sống; đồng thời, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 8 Chương, 30 Điều. Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về tổ chức thực hiện hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam; người có ảnh hưởng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh; kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù; tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện.

P.V