Theo Bộ này, Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định XPVPHC về bình đẳng giới (Nghị định số 55/2009/NĐ-CP) được ban hành đã tạo lập hành lang pháp lý quan trọng cho việc XPVPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới những năm qua, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, bảo đảm các quyền bình đẳng của nam và nữ, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường lành mạnh, dân chủ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, duy trì và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của ngành lao động - thương binh và xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định số 55/2009/NĐ-CP thời gian qua đã phát sinh những bất cập cả về sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và cả về thực tiễn áp dụng pháp luật nên cần có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Trong đó, một số quy định của Nghị định số 55/2009/NĐ-CP không còn phù hợp với thực tế hiện nay, ví dụ quy định về mức phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng áp dụng đối với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm trong Nghị định không tương xứng với tính chất của vi phạm nên không đủ để răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc xây dựng Nghị định quy định XPVPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về XPVPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới, bảo đảm tối đa hiệu lực, hiệu quả của XPVPHC trong việc bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng về bình đẳng giới được thể chế hóa bằng các cơ chế, chính sách pháp lý thể hiện trong hệ thống pháp luật về bình đẳng giới hiện hành, nhất là Luật bình đẳng giới và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này
Đồng thời, bảo đảm sự phù hợp với Luật Bình đẳng giới và tính thống nhất, đồng bộ của các quy định XPVPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới với Luật XLVPHC 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và hệ thống các nghị định của Chính phủ quy định XPVPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của đời sống xã hội, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong thực tiễn, bảo đảm phù hợp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Việc xây dựng Nghị định mới phải bảo đảm phù hợp với Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, phù hợp và góp phần tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính được xác định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW, Kết luận số 01-KL/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm căn cứ pháp lý ban hành Nghị định, 4 Chương, 24 Điều (giảm 1 Chương, 5 Điều so với Nghị định số 55/2009/NĐ-NĐ). Tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị định điều chỉnh mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bình đẳng giới là 30.000.000 đồng, đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật XLVPHC 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020).
Cùng với đó, dự thảo Nghị định cũng bỏ quy định hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong bình đẳng giới để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, vì Nghị định số 55/2009/NĐ-CP không quy định hình thức xử phạt trục xuất áp dụng đối với hành vi vi phạm nào được nêu trong Nghị định. Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu xây dựng, cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới quy định trong dự thảo Nghị định chưa đến mức cần thiết để áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm” vì cần thiết quy định áp dụng đối với một số hành vi quy định tại Chương II dự thảo.
Mặt khác, dự thảo Nghị định cũng điều chỉnh nâng mức phạt tiền đồng thời bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo đối với một số hành vi nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, phù hợp điều kiện kinh tế- xã hội hiện nay, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung.
Cụ thể, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự mình hoặc xúi giục người khác thực hiện hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành sáng tác, lưu hành, xuất bản hoặc cho phép xuất bản các tác phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới dưới bất kỳ thể loại, hình thức nào.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn quy định, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi gồm: Quảng cáo rượu hoặc bia có độ cồn dưới 15 độ có nội dung, hình ảnh thể hiện rượu, bia có tác dụng tạo sự hấp dẫn về giới tính hoặc hướng đến phụ nữ mang thai; quảng cáo rượu hoặc bia có độ cồn dưới 15 độ trong các sự kiện, trên các phương tiện quảng cáo, sản phẩm dành cho phụ nữ mang thai; quảng cáo việc chẩn đoán, lựa chọn giới tính phôi, thai nhi...