Dự thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe được đưa ra trong cuộc họp lấy ý kiến ngày 7.8 vừa qua lại khiến dư luận bức xúc.
 
Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy người nặng dưới 40kg thì điều khiển xe máy không an toàn. Ảnh: Hải Nguyễn
Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy người nặng dưới 40kg thì điều khiển xe máy không an toàn. Ảnh: Hải Nguyễn
 
Bởi những điều khoản không cho phép người có ngực lép lái xe, từng đưa ra từ năm 2008, bị người dân phản đối, lại tiếp tục được “bê” nguyên vào dự thảo sau đó 5 năm. Xung quanh tiến độ xây dựng dự thảo này, ý kiến của 2 cơ quan liên quan nhiều nhất là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Y tế thậm chí còn trái ngược hoàn toàn.
 
Vòng ngực 72cm trở lên mới được lái xe!
 
Cục Y tế, Bộ GTVT cho biết: Bộ Y tế đã có quyết định thành lập Ban soạn thảo dự thảo “Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ôtô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe” vào đầu tháng 8.2013. Tổ biên tập và Ban soạn thảo, bao gồm thành phần 2 Bộ Y tế và Bộ GTVT.
 
Dự thảo đã được đưa ra ngày 7.8.2013 tại cuộc họp lần thứ 1 của Ban soạn thảo. Theo bảng 17, phụ lục của dự thảo quy định: Giấy phép lái xe chỉ được cấp cho người có cân nặng trên 40kg, vòng ngực từ 72cm trở lên, lực bóp tay thuận (tay phanh phải) tối thiểu 26kg, lực bóp tay còn lại là 24kg.
 
Ngoài ra, dự thảo còn đưa ra những tiêu chí khác về sức khỏe người lái xe liên quan đến các bệnh mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, bệnh ở hệ hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu - sinh dục, tim mạch, tâm thần - thần kinh... 
 
Trong đó có quy định những bệnh chuyên sâu mà với công tác khám sức khỏe cấp giấy phép lái xe hiện nay không thể phát hiện và sàng lọc được. Ví dụ như “loét dạ dày, tá tràng có biến chứng chảy máu, đã mổ dạ dày kết quả không tốt”, “sa trực tràng”, “sỏi đường tiết niệu có biến chứng”, “suy thận mạn tính”...
 
Các tiêu chí trong dự thảo còn quá máy móc
 
Về việc soạn thảo dự thảo này, ông Vũ Văn Triển - Cục trưởng Cục Y tế Bộ GTVT - cho biết: “Bộ Y tế chủ trì xây dựng dự thảo thông tư liên tịch và Bộ GTVT có trách nhiệm tham gia ý kiến. Để thực hiện việc đó, Cục Y tế Bộ GTVT đã xin ý kiến các đơn vị của Bộ Y tế và các cục, vụ chức năng trong Bộ GTVT về nội dung dự thảo. 
 
Qua đó, đơn vị này đã xây dựng nội dung thông tư mang tính sơ khảo và gửi cho Bộ Y tế từ mấy tháng trước. Sau đó, Bộ Y tế đã thành lập một đơn vị soạn thảo và đã họp nhiều lần với sự tham dự của đại diện Bộ GTVT.
 
Thực tế, hiện nay có nhiều người có ngoại hình bé, nhỏ tham gia giao thông nhưng vẫn an toàn, sức khỏe là yếu tố quan trọng để lái xe an toàn. Nhưng thời gian qua chưa có kết luận tai nạn giao thông là do sức khỏe, mà chủ yếu do sử dụng rượu bia, chạy xe liên tục quá quy định”.
 
Nhận định về tiêu chí vòng 1 “lép” có ảnh hưởng đến khả năng lái xe an toàn hay không, ông Khương Kim Tạo - Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia - khẳng định: “Đến thời điểm này chưa có bằng chứng, nghiên cứu nào cho thấy những người có vòng ngực trung bình dưới 72cm, nặng dưới 40kg thì điều khiển xe máy sẽ không an toàn”. 
 
Ông Tạo cũng nhận xét thêm: “Các tiêu chí khác trong dự thảo còn quá máy móc và lắp ghép một cách khô cứng, bất hợp lý nên cần phải đánh giá, xem xét lại”.
 
Bộ Y tế: Tuần này mới khởi động soạn thảo thông tư
 
Về phía Bộ Y tế, trong tuần qua, trả lời một số phương tiện thông tin đại chúng, ông Trần Quý Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh - cho biết: Những tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ôtô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe đang được Bộ Y tế tiến hành thành lập ban soạn thảo. Bộ Y tế cũng chưa công bố lấy ý kiến nội dung dự thảo nào liên quan đến vấn đề này.
 
Đến thời điểm hiện tại, chưa có dự thảo nào được đưa ra như một số báo chí thông tin thời gian qua.
 
Thông tin từ ông Nguyễn Xuân Trường - Chánh văn phòng Bộ Y tế - xác nhận với PV Báo Lao Động tối 25.8: “Trong tuần này, Bộ Y tế mới khởi động lại việc soạn thảo dự thảo nói trên. Vì quy trình soạn thảo văn bản đòi hỏi sự tham gia, lấy ý kiến của nhiều ban ngành khác như tư pháp, GTVT chứ riêng Bộ Y tế không thể tự đưa ra”.
 
Q.D - Đặng Tiến
Báo Lao Động

 

.