Từ 1/7, khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, các hành vi vi phạm luật này sẽ bị xử lý nghiêm, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tối đa gấp 2 lần cá nhân… Cùng thời điểm, 8 luật khác cũng có hiệu lực: Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật Hợp tác xã; Luật Xuất bản.

 

 

Phạt tối đa 2 tỷ với tổ chức vi phạm

 

Với 12 Chương, 142 Điều, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các nguyên tắc xử phạt, các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt…

 

Theo đó, đáng chú ý, Luật quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); Trục xuất.

 

Về mức phạt tiền, Luật XLVPHC quy định mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật này.

 

Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.

 

Luật cũng quy định về việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện: Bị phạt tiền từ 20 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và từ 200 triệu đồng trở lên đối với tổ chức; đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế; đối với đơn đề nghị của tổ chức phải được xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp.

 

“Siết” quy định nhập khẩu nội thành

 

Một trong những quy định đáng chú ý của Luật Thủ đô là quy định về quản lý dân cư. Theo luật này, công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú ở nội thành: Các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của Luật cư trú; các trường hợp không thuộc điểm a khoản này đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.

 

Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong một văn bản luật có quy định về biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô được trao tặng cho người nước ngoài có đóng góp trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô hoặc trong việc mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô. Luật giao HĐND TP Hà Nội quy định thẩm quyền, điều kiện, thủ tục tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.

 

Luật sư cấm được nhận thêm tiền từ khách hàng

 

Cũng có hiệu lực từ 1/7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động luật sư; quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm; vấn đề thu hồi cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư…

 

Đáng chú ý, Luật mới tăng thời gian đào tạo nghề luật sư từ 6 tháng lên 12 tháng. Bên cạnh đó, thời gian tập sự hành nghề luật sư được rút ngắn từ 18 tháng xuống còn 12 tháng. Các luật sư cũng bị nghiêm cấm một số hành vi trong đó có “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”.

 

Ngoài ra Luật còn quy định quyền và trách nhiệm của Luật sư, hoạt động của Luật sư khi tham gia tố tụng, quyền của tổ chức hành nghề luật sư, nghĩa vụ của tổ chức hành nghề…

 

Theo phapluatvn.vn