(BVPL) - Từ ngày 15/5, lực lượng thanh tra xây dựng sẽ do Sở Xây dựng quản lý theo ngành dọc. Riêng Hà Nội và TP HCM, các đội thanh tra xây dựng được đặt tại các quận, huyện mà không có lực lượng này ở phường, xã.
 
 
Trước đó, theo Quyết định 89, Thanh tra xây dựng cấp phường, xã, thị trấn là "cánh tay nối dài" cho cơ quan quản lý hành chính nhà nước trong việc kiểm soát trật tự xây dựng tại địa phương. Lực lượng này được giao nhiều nhiệm vụ như: kiểm tra việc tuân thủ quy định về quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt; phát hiện, xử lý các hành vi xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm không gian chung... Bên cạnh đó, thanh tra xây dựng cấp phường cũng được lập biên bản vi phạm, yêu cầu ngừng thi công và trình chủ tịch UBND phường ra quyết định đình chỉ thi công, phá dỡ công trình vi phạm.
 
Tháng 7/2012, sau đợt thanh tra về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại TP HCM, ông Thạch Như Sỹ, Phó chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận Tải cũng đã đề xuất "xóa tên" thanh tra xây dựng và nên để lực lượng này trở về với tên gọi ban đầu là Đội trật tự đô thị "vì thanh tra xây dựng nhưng lại xử phạt giao thông và đô thị đã gây phản cảm cho người dân".
 
Theo kết quả thanh tra, lực lượng thanh tra xây dựng chủ yếu lập biên bản xử phạt về trật tự, an toàn giao thông theo Nghị định 34 của Chính phủ, con số này chiếm đến 99% số vụ lập biên bản. Cụ thể, có những phường xảy ra 11.000 vụ vi phạm do lực lượng này lập biên bản, song chỉ có 30 vụ thuộc lĩnh vực xây dựng, còn lại là trật tự an toàn giao thông. Trong số 2.700 thanh tra xây dựng cấp phường, quận ở TP HCM chỉ có duy nhất 1 người là thanh tra viên được thành phố cấp thẻ theo luật thanh tra, còn lại đều là nhân viên.
 
Từ năm 2001, TP HCM đã thành lập lực lượng Quản lý trật tự đô thị để tham mưu trình UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn xử lý các vấn đề trong công tác quản lý trật tự xây dựng và đô thị trên địa bàn. Đến năm 2006, UBND TP kiện toàn lực lượng này trên cơ sở hợp nhất giữa chức năng quản lý trật tự xây dựng - đô thị và chức năng thi hành các quyết định hành chính, gọi chung là Đội Quản lý trật tự đô thị quận, huyện và Tổ Quản lý trật tự đô thị phường, xã, thị trấn.
Khi có Quyết định 89 (ngày 18/6/2007 của Thủ tướng về thí điểm thành lập lực lượng thanh tra xây dựng tại TP HCM và Hà Nội), TP HCM đã thí điểm thành lập lực lượng thanh tra xây dựng và gộp đội, tổ Quản lý trật tự đô thị với tên gọi chung là thanh tra xây dựng. Tuy nhiên, do có tên gọi là thanh tra xây dựng, nên khi lực lượng này xử lý, lập biên bản các vi phạm trong lĩnh vực trật tự giao thông và đô thị khác đã gây nhiều bức xúc cho người dân.
 
Theo VnExpress