TAND tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 311, Điều 312 và Điều 313 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (Bộ luật Hình sự).

Theo dự thảo Nghị quyết, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Khoản 1 Điều 313 của Bộ luật Hình sự là việc thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ những nội quy, quy định trong công tác phòng cháy và chữa cháy do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Người phạm tội thực hiện một trong những hành vi vi phạm theo hướng dẫn tại Khoản 7 Điều này nhưng đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về tội cố ý hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 313 của Bộ luật Hình sự.

Thiệt hại là tổn thất về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân; tài sản, danh dự, uy tín của pháp nhân hoặc chủ thể khác được pháp luật bảo vệ.

Về một số tình tiết định tội, dự thảo Nghị quyết quy định: Sản xuất trái phép chất cháy, chất độc quy định tại Khoản 1 Điều 311 của Bộ luật Hình sự là hành vi làm ra chất cháy, chất độc (chế biến, điều chế…) bằng thủ công hoặc có áp dụng khoa học công nghệ từ các tiền chất và các hóa chất hoặc làm ra chất cháy, chất độc này từ các chất cháy, chất độc khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Tàng trữ trái phép chất cháy, chất độc quy định tại Khoản 1 Điều 311 của Bộ luật Hình sự là hành vi cất giữ chất cháy, chất độc mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nơi tàng trữ có thể là nơi ở, nơi làm việc, mang theo trong người, trong hành lý hoặc cất giấu bất kỳ ở một vị trí nào khác mà người phạm tội đã chọn.

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng tiêu huỷ hàng hoá, sản phẩm độc hại. (Ảnh minh hoạ)

Cũng được coi là tàng trữ trái phép chất cháy, chất độc đối với trường hợp chất cháy, chất độc có từ bất kỳ nguồn nào (cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, đào được, nhặt được, ...) mà không khai báo, giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vận chuyển trái phép chất cháy, chất độc quy định tại Khoản 1 Điều 311 của Bộ luật Hình sự là hành vi chuyển dịch chất cháy, chất độc từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, … mà không có mệnh lệnh của người có thẩm quyền hoặc giấy phép vận chuyển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng bất kỳ phương tiện nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng đều không nhằm mục đích mua bán.

Sử dụng trái phép chất cháy, chất độc quy định tại Khoản 1 Điều 311 của Bộ luật Hình sự là hành vi sử dụng chất cháy, chất độc mà không có giấy phép hoặc không được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mua bán trái phép chất cháy, chất độc quy định tại Khoản 1 Điều 311 của Bộ luật Hình sự là các hành vi mua bán không có giấy phép hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không đòi hỏi phải có đầy đủ cả hai hành vi mua và bán mà chỉ cần có một trong hai hành vi đó người phạm tội cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 311 của Bộ luật Hình sự.

Đối với một tình tiết định khung hình phạt, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Có tổ chức quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 311 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội bằng hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ và phân công, sắp đặt vai trò của những người cùng thực hiện tội phạm.

Vận chuyển, mua bán qua biên giới quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 311 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa chất cháy, chất độc ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hoặc ngược lại. Cũng được coi là vận chuyển, mua bán qua biên giới nếu đã hoàn thành các thủ tục thông quan đối với chất cháy, chất độc.

Vật phạm pháp có số lượng lớn quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 311 của Bộ luật Hình sự được xác định như sau: Chất cháy, chất độc có khối lượng từ 2.000 kg đến dưới 6.000 kg; chất cháy, chất độc ở thể lỏng, khí có thể tích từ 2.500 ml đến dưới 7.500 ml.

Vật phạm pháp có số lượng rất lớn quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 311 của Bộ luật Hình sự được xác định như sau: Chất cháy, chất độc có khối lượng từ 6.000 kg đến dưới 30.000 kg; chất cháy, chất độc ở thể lỏng, khí có thể tích từ 7.500 ml đến dưới 37.500 ml.

Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 311 của Bộ luật Hình sự được xác định như sau: Chất cháy, chất độc có khối lượng từ trên 30.000 kg trở lên; chất cháy, chất độc ở thể lỏng, khí có thể tích từ trên 37.500 ml trở lên.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết còn hướng dẫn việc xử lý vật chứng là chất cháy, chất độc. Theo đó, khi xét xử vụ án có vật chứng là chất cháy, chất độc thì khi tuyên án, Tòa án phải quyết định trong bản án hướng xử lý đối với những vật chứng đó.

Cụ thể, trường hợp xác định được vật chứng mà người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người khác thì Tòa án phải quyết định trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp vật chứng đó.

Đối với các vật chứng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người phạm tội thì xử lý theo hướng, nếu vật chứng là chất cháy, chất độc có giá trị và còn sử dụng được thì quyết định tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.

Đối với vật chứng là chất cháy, chất độc không có giá trị và không sử dụng được thì giao cho cơ quan có thẩm quyền tiêu hủy.

Đối với vật chứng là chất cháy, chất độc thuộc loại mau hỏng, thời hạn sử dụng còn ngắn hoặc khó bảo quản thì giao cho cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá theo quy định của pháp luật, trường hợp không bán được thì tiêu hủy.

P.V