Viện trưởng VKSND tối cao vừa có quyết định về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học VKSND tối cao. Theo đó, Hội đồng khoa học hoạt động theo nguyên tắc đó là: Bảo đảm dân chủ, minh bạch trong hoạt động; làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số. Đồng thời, tuân thủ trình tự, thủ tục, thực hiện giải quyết công việc theo quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch, lịch làm việc và quy định của Quy chế này.

Xây dựng chiến lược phát triển khoa học trong ngành Kiểm sát

Theo Quy chế, Hội đồng khoa học có các nhiệm vụ, quyền hạn đó là: Tư vấn về mặt khoa học, giúp Viện trưởng VKSND tối cao trong việc nghiên cứu, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, tư pháp và pháp luật trong ngành KSND;

Nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển ngành KSND, hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành; xây dựng chiến lược phát triển khoa học, nguồn nhân lực khoa học, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Ngành; xây dựng và thực hiện các định hướng, chương trình, kế hoạch triển khai công tác nghiên cứu khoa học dài hạn và hàng năm, bao gồm các chương trình hợp tác khoa học với nước ngoài trong ngành KSND.

Tham gia ý kiến trong việc đánh giá các công trình khoa học, các giáo trình giảng dạy, đề án, dự án của Ngành, báo cáo sơ kết, tổng kết công tác khoa học của VKSND tối cao.

Kiến nghị với Viện trưởng VKSND tối cao về những vấn đề liên quan đến chương trình xây dựng dự án văn bản quy phạm pháp luật, chương trình nghiên cứu các đề tài khoa học cấp quốc gia, cấp Bộ, cấp Cơ sở và các đề án do ngành KSND có trách nhiệm thực hiện.

Thảo luận, tư vấn chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật do VKSND tối cao chủ trì soạn thảo; các văn bản góp ý của VKSND tối cao đối với các dự thảo, dự án văn bản quy phạm pháp luật mà VKSND tham gia ý kiến, xây dựng.

Góp ý cơ chế, biện pháp khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của các đơn vị, Viện kiểm sát trong ngành KSND, cho ý kiến về đề nghị khen thưởng các công trình khoa học, các giáo trình, các đề án và các tập thể, các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học. Đồng thời, thực hiện các hoạt động tư vấn khác theo yêu cầu của Viện trưởng VKSND tối cao.

leftcenterrightdel
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tặng hoa chúc mừng Hội đồng khoa học VKSND tối cao 

Về cơ cấu, Quy chế quy định: Hội đồng khoa học gồm có Chủ tịch, Thành viên thường trực, Thư ký và các thành viên khác.

Chủ tịch Hội đồng là Phó Viện trưởng VKSND tối cao phụ trách công tác pháp chế và quản lý khoa học; thành viên thường trực là Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; thành viên Thư ký Hội đồng là đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học. Các Thành viên khác do Viện trưởng VKSND tối cao quyết định trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học.

Cụ thể về tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng khoa học

Về tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng khoa học, Quy chế nêu rõ: Công chức, viên chức ngành KSND có trình độ lý luận, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm thực tiễn công tác kiểm sát, nghiên cứu khoa học, có thể được xem xét, quyết định làm thành viên Hội đồng khoa học khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đã được quy định.

Cụ thể, công chức, viên chức phải có lập trường chính trị vững vàng; có tư cách đạo đức tốt; có học vị tiến sĩ từ 3 năm trở lên, kể từ thời điểm được cấp bằng tiến sĩ; đã từng tham gia Ban Chủ nhiệm của ít nhất 2 đề tài khoa học cấp bộ hoặc 2 đề án đã được nghiệm thu, đánh giá đạt từ loại Khá trở lên. Đồng thời, phải có thời gian công tác trong ngành KSND từ 5 năm trở lên.

Trường hợp đặc biệt, thành viên không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều này do Viện trưởng VKSND tối cao quyết định.

Nhiệm kỳ của các thành viên Hội đồng khoa học là 5 năm. Số lượng thành viên Hội đồng khoa học không quá 19 người, do Viện trưởng VKSND tối cao quyết định trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học.

Trong trường hợp cần thiết Viện trưởng VKSND tối cao có thể quyết định thay đổi, bổ sung số lượng và nhiệm kỳ của các thành viên Hội đồng khoa học theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng khoa học.

Ngoài các nội dung trên, Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học VKSND tối cao còn đề cập đến các nội dung khác như: Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Thành viên thường trực, Thư ký, thành viên Hội đồng khoa học; việc xem xét miễn nhiệm thành viên Hội đồng khoa học; đương nhiên chấm dứt tư cách thành viên Hội đồng khoa học; phướng thức làm việc, phiên họp của Hội đồng khoa học; trách nhiệm của một số đơn vị liên quan, VKSND…

Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học VKSND tối cao gồm 5 chương, 22 điều quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Khoa học VKSND tối cao. Quy chế áp dụng đối với thành viên Hội đồng khoa học, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan thuộc VKSND tối cao, VKS quân sự trung ương, VKSND cấp cao trong hoạt động khoa học và công nghệ.

 

P.V