Ký kết và thực hiện 14 điều ước quốc tế song phương, đa phương

Bộ Giao thông vận tải đang chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép cho đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện hoạt động vận chuyển đường bộ qua biên giới để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, nhằm thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, một trong những nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm của ngành GTVT và lĩnh vực vận tải đường bộ nói riêng là tăng cường kết nối vận tải đường bộ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, khu vực và trên thế giới, tạo cầu nối thúc đẩy hội nhập quốc tế về kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch giữa Việt Nam với các nước.

Từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực hiện 14 điều ước quốc tế (ĐƯQT) song phương, đa phương về vận tải đường bộ qua biên giới với các các nước láng giềng, khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước GMS và ASEAN. Các ĐƯQT này đã tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vận tải của Việt Nam và các nước ký kết thực hiện hoạt động vận tải qua biên giới, theo đó không cần sang chuyển hành khách, hàng hóa sang phương tiện của nước sở tại, giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đi lại và vận chuyển, tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp vận tải, từ đó góp phần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hợp tác và tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để triển khai thực hiện các hiệp định và nghị định thư về vận tải đường bộ song phương với Lào, Campuchia, Trung Quốc cũng như hiệp định, thỏa thuận hợp tác đa phương giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Việt Nam với các nước GMS, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã ban hành và bổ sung, sửa đổi các Thông tư hướng dẫn thực hiện các ĐƯQT này. Tuy nhiên, đến nay việc quy định các thủ tục hành chính trong Thông tư do Bộ trưởng ban hành đã không còn phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Trong khuôn khổ hợp tác đường bộ ASEAN, theo lộ trình, các nước ASEAN sẽ thúc đẩy hiện thực hóa các Hiệp định khung về vận tải đường bộ trong giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, các nước thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong nước để hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các hiệp định này, trong đó cần quy định rõ về trình tự, thủ tục cấp giấy phép cho đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện hoạt động vận chuyển đường bộ qua biên giới giữa các nước ASEAN.

Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam ký kết, gia nhập và thực hiện ngày càng nhiều các ĐƯQT về vận tải đường bộ, công tác quản lý vận tải đường bộ quốc tế cần được nâng cao, tăng tính đồng bộ và hiệu quả đồng thời tạo thuận lợi hơn nữa cho đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật, mở rộng hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ. 

Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, Nghị định được xây dựng trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện cải cách, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền, giảm chi phí và tăng cường tính công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực trong cấp phép vận tải đường bộ quốc tế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

leftcenterrightdel
 Vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh minh hoạ)

Với những lý do trên, việc xây dựng Nghị định quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép cho đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện hoạt động vận chuyển đường bộ qua biên giới là rất cần thiết.

Bổ sung quy định về trình tự thủ tục cấp phép theo quy định của các Hiệp định khung ASEAN

Dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 34 Điều. Nội dung của dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định được thực hiện ổn định trong thời gian qua tại các Thông tư của Bộ GTVT về vận tải qua biên giới giữa Việt Nam với Lào, Campuchia, Trung Quốc, và các nước GMS đang có hiệu lực, không phát sinh thủ tục hành chính mới đối với vận tải qua biên giới giữa Việt Nam với các nước này.

So với các quy định hiện hành, dự thảo Nghị định chỉ bổ sung thêm quy định về trình tự thủ tục cấp phép theo quy định của các Hiệp định khung ASEAN về vận tải qua biên giới tại Chương II do hiện nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Nội dung bổ sung về cơ bản bám sát quy định tại các Hiệp định khung ASEAN với thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục được đơn giản hóa tương tự như các thủ tục xin cấp phép tại các Thông tư về vận tải đường bộ qua biên giới đang có hiệu lực.

Các nội dung quy định về trình tự, thủ tục cấp phép tại các Chương được xây dựng trên cơ sở đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, công khai, minh bạch đồng thời tuân thủ đầy đủ các điều khoản quy định riêng biệt của từng ĐƯQT về vận tải qua biên giới mà Việt Nam là thành viên. Nội dung quy định được hệ thống hóa dễ hiểu và thuận tiện cho việc tra cứu của doanh nghiệp, gồm đối tượng được cấp phép; thành phần hồ sơ; cơ quan cấp phép; trình tự thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép; việc gia hạn thời gian lưu hành tại Việt Nam đối với phương tiện của các nước đối tác trong trường hợp bất khả kháng.

Nghị định đơn giản hóa, rút ngắn trình tự thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Cụ thể: Thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép của doanh nghiệp được đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp với việc bãi bỏ một số giấy tờ như Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba.

Đối với hoạt động vận tải đường bộ qua biên giới không có quy định về hạn ngạch số lượng phương tiện, Nghị định quy định phân cấp thẩm quyền cấp phép cho Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện cấp phép đối với hoạt động vận tải đường bộ qua biên giới theo các ĐƯQT có quy định về hạn ngạch phương tiện nhằm đảm bảo công tác điều phối, tránh xáo trộn và tính đối đẳng về cơ quan cấp phép với các nước đối tác.

Quy định thống nhất việc các tổ chức, cá nhân và đơn vị kinh doanh vận tải có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp phép vận tải đường bộ qua biên giới thông qua các hình thức khác nhau phù hợp với mình nhất gồm trực tiếp, trực tuyến hoặc qua đường bưu điện.

Nghị định quy định việc rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ của cơ quan cấp phép với việc cơ quan cấp phép phải thông báo cho tổ chức, cá nhân và đơn vị kinh doanh vận tải bổ sung các hồ sơ, giấy tờ cần thiết trong quá trình tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ (1 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ); bãi bỏ quy định đề nghị bổ sung hồ sơ trong quá trình thẩm định cấp phép. Quy định thống nhất về việc cơ quan cấp phép phải thông báo rõ lý do trong trường không cấp phép (đối với các nội dung quy định hiện hành chưa có).  

Nghị định cũng ban hành các mẫu đơn, giấy phép cụ thể đối với từng bước trình tự, thủ tục theo từng ĐƯQT về vận tải qua biên giới tại phụ lục đính kèm. Bãi bỏ quy định về thời hạn hiệu lực (5 năm) đối với Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải như quy định hiện hành.

Quy định thống nhất việc gia hạn thời gian lưu trú tại Việt Nam đối với các phương tiện của các nước đối tác trong trường hợp bất khả kháng do Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhằm đảm bảo tính kịp thời.

Ngoài ra, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật của đơn vị kinh doanh vận tải trong việc khai thác các tuyến vận tải, tránh tình trạng đăng ký khai thác tuyến để “giữ chỗ” nhưng không hoặc chậm trễ thực hiện hoạt động khai thác, Nghị định bổ sung quy định về thời gian đơn vị được cấp phép lại đối với đơn vị kinh doanh vận tải là 1 năm, đối với phương tiện sau khi bị thu hồi giấy phép do vi phạm là 6 tháng.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc ban hành Nghị định nhằm triển khai có hiệu quả các Hiệp định, Nghị định thư, Bản ghi nhớ về vận tải đường bộ qua biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết. 
Việc xây dựng Nghị định này cũng nhằm triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; hoàn chỉnh nội dung, thể chế cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công đối với thủ tục cấp phép vận chuyển đường bộ qua biên giới; cắt giảm thủ tục hành chính và hủy bỏ các chế độ báo cáo không cần thiết; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

P.V