Tại dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất mục tiêu giảm tần suất tai nạn lao động chết người trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động trên 25% đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động so với giai đoạn 2011 – 2015.

 


Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo số liệu báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong giai đoạn 2011 – 2014, tần suất tai nạn lao động chết người là 7,58/100.000 người lao động, giảm 4,89% so với giai đoạn 2006 – 2010 (tần suất 7,97/100.000 lao động).

Theo kết quả điều tra, khảo sát chuyên sâu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong giai đoạn 2009 – 2013, tần suất tai nạn lao động chết người trong 14 nhóm ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động giảm trên 6,68% mỗi năm; trong đó khai khoáng giảm từ 1,03% - 4,4%, xây dựng giảm từ 9% - 14%, sản xuất vật liệu xây dựng giảm trên 9,6%, kim loại giảm trên 11,2%, hóa chất giảm từ 3,33% - 14,13%, sử dụng điện giảm trên 15,4%.

Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất một trong những mục tiêu của Chương trình hành động Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 – 2020 (Chương trình) là: Hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Giảm tần suất tai nạn lao động chết người so với giai đoạn 2011 – 2015 đạt trên 25% đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và trên 10% đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng lao động.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất một số mục tiêu của Chương trình như: Đến năm 2020, tăng thêm mới trên 20.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản hệ thống quản lý an toàn – vệ sinh lao động, bước đầu xây dựng văn hóa an toàn trong lao động; ít nhất 5 loại hình làng nghề áp dụng hệ thống quản lý công tác an toàn – vệ sinh lao động trong làng nghề.

Trên 10.000 hộ gia đình, 1.000 làng nghề, 50% số người là thành viên hợp tác xã và 50% hội viên nông dân làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn – vệ sinh lao động. Trên 80% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có tai nạn lao động nghiêm trọng thực hiện báo cáo tai nạn lao động; 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý đúng theo quy định pháp luật…

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
 

Theo Chinhphu.vn

.