Căn cứ cho ly hôn

Nghị quyết này hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19/6/2014; Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25/11/2015

Theo dự thảo, nghị quyết này hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19/6/2014; Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25/11/2015.

Dự thảo nêu rõ các căn cứ cho ly hôn, Tòa án công nhận thuận tình ly hôn đối với trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn khi đáp ứng đủ các điều kiện: Hai bên tự nguyện ly hôn; đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.

Trường hợp thuận tình ly hôn thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các bên tham gia hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

leftcenterrightdel
 Lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình.

Toà án quyết định cho ly hôn theo quy định tại Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình khi có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Bạo lực gia đình bao gồm bạo lực vật chất (vợ, chồng thường xuyên đánh đập, ngược đãi, hành hạ làm cho người bị ngược đãi, hành hạ bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe); bạo lực tinh thần (lăng mạ, sỉ nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín khiến người bị ngược đãi bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần).

Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống.

Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Cha, mẹ, con đã thành niên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Cha, mẹ, người thân thích khác là cha, mẹ; ông, bà ruột, anh ruột, chị ruột, em ruột, con thành niên của người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Cấp dưỡng nuôi con

Theo dự thảo, tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng ít nhất bằng 2/3 mức lương cơ sở và không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 06 tháng liền kề.

Phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hằng tháng, hằng quý, nửa năm, hằng năm hoặc một lần. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng hằng tháng hoặc phương thức khác phù hợp với nhu cầu, lợi ích của con và điều kiện của người cấp dưỡng.

Toàn văn Dự thảo:  dtnqhonnhan.doc

 

 

H. Vân