Bộ Công an đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo Bộ Công an, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP và các quy định hiện hành có liên quan đến hoạt động bảo vệ an toàn mục tiêu; đáp ứng những thay đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác bảo vệ mục tiêu; hệ thống lại danh mục các mục tiêu quan trọng do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ.
Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, thuận lợi cho việc bố trí, lắp đặt vọng gác, các thiết bị phục vụ công tác bảo đảm an toàn cho mục tiêu, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các mục tiêu quan trọng và bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Liên quan đến một trong những nội dung cơ bản, dự thảo Nghị định nêu rõ: Một số hành vi xâm hại, đe dọa xâm hại mục tiêu chưa được quy định đầy đủ, cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn mục tiêu.
Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ có quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi như vào khu vực cấm, địa điểm cấm mà không được phép, trốn vào đại sứ quán, lãnh sự quán hoặc trụ sở cơ quan, tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam, hoặc hành vi thả diều, bóng bay, chơi máy bay và đĩa bay có điều khiển từ xa tại khu vực sân bay, khu vực cấm... nhưng đối tượng áp dụng của các quy định này chỉ đối với một số cơ quan nhất định mà chưa bao trùm được toàn bộ các mục tiêu quan trọng khác do lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ.
|
|
Các chiến sĩ bảo vệ mục tiêu Tỉnh ủy Điện Biên. (Ảnh minh hoạ) |
Đồng thời, để tạo điều kiện thuận tiện cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ và cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc nắm bắt, thực hiện các quy định của pháp luật, cần bổ sung quy định các hành vi xâm hại, đe dọa xâm hại mục tiêu trong Nghị định để đáp ứng tốt những đòi hỏi của tình hình thực tế trong công tác bảo vệ mục tiêu.
Cụ thể, dự thảo Nghị định đã bổ sung 1 điều (Điều 5a) sau Điều 5 với nội dung: “Điều 5a. Những hành vi bị nghiêm cấm: 1. Vào mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu trái phép.
2. Thả diều, bóng bay, dù bay, tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ khác vào khu vực bên trong mục tiêu được bảo vệ.
3. Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu.
4. Vứt rác hoặc bỏ bất cứ vật gì khác lên tường rào và khu vực liền kề với mục tiêu bảo vệ.
5. Phá hoại, làm hư hỏng tài sản, hiện vật tại mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu; leo trèo hoặc thực hiện các hành vi khác tác động lên cổng, cửa, tường rào của mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu khi chưa được phép.
6. Gây rối, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan có mục tiêu bảo vệ.
7. Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm soát của lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu.
8. Tập trung đông người gây mất trật tự tại khu vực mục tiêu bảo vệ.
9. Các hành vi khác xâm hại mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu theo quy định của pháp luật.”
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Nghị định còn quy định về trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, UBND dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác bảo vệ mục tiêu...