VKSND tỉnh Bình Định và TAND tỉnh Bình Định vừa tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp về giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật và ký kết quy chế phối hợp sửa đổi, bổ sung.

Sau 5 năm thực hiện quy chế phối hợp liên ngành, VKSND và TAND tỉnh Bình Định đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật được kịp thời đúng pháp luật, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý và pháp chế xã hội chủ nghĩa.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội nghị. 

Thời gian qua, hai đơn vị luôn quan tâm đến công tác phối hợp để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, một số quy định pháp luật cũng có sự thay đổi, một số nội dung phối hợp giữa VKSND và TAND cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới và thực tiễn công tác. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung và ký kết quy chế phối hợp giữa hai ngành là hết sức cần thiết.

Đây là cơ chế để Kiểm sát viên, Thẩm phán, công chức hai ngành trao đổi thông tin, hỗ trợ cho nhau trong công tác thụ lý, giải quyết và công tác kiểm sát việc thụ lý giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; là cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cơ quan thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình theo quy định pháp luật.

Quy chế gồm 3 chương, 31 Điều, các nội dung trong Quy chế thể hiện rõ về phạm vi, nguyên tắc, phương thức và nội dung phối hợp trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, vụ án hành chính. Quy chế cũng đã được hai đơn vị thảo luận, soạn thảo, cho ý kiến đóng góp rất kỹ lưỡng. Trong đó, bổ sung nhiều nội dung mới như việc kiểm sát các quyết định hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật hòa giải, đối thoại của Tòa án, phối hợp với Tòa án trong việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến về dân sự, hành chính theo Nghị quyết 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội.

leftcenterrightdel
 Hai đơn vị ký kết quy chế phối hợp liên ngành.

Quy chế phối hợp sẽ góp phần đảm bảo việc thực hiện đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự và Luật tố tụng hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa VKSND và TAND tỉnh Bình Định. Đặc biệt, thời gian tới việc phối hợp, giải quyết án quá hạn, án phức tạp cần được 2 đơn vị chú trọng, tổ chức họp bàn và có những giải pháp tháo gỡ mang lại hiệu quả thiết thực.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Cang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, đánh giá cao việc VKSND và TAND tỉnh Bình Định đã xây dựng quy chế phối hợp trong công tác giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.

Đồng chí cũng đề nghị hai cơ quan tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung trong quy chế phối hợp và có sự chỉ đạo đến TAND, VKSND cấp huyện thực hiện việc ký kết Quy chế phối hợp tạo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo thực hiện hiệu quả. Định kỳ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện. Đồng chí cũng đề nghị hai cơ quan tiếp tục quán triệt nghiêm túc, đầy đủ và sâu sắc Quyết định số 04-QĐ/TU ngày 13/9/2021 của Tỉnh ủy Bình Định đối với những vụ án về hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Văn Sang - Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Định phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Sang - Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Định nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung, ban hành Quy chế phối hợp thể hiện trách nhiệm của hai Ngành đối với nhân dân, tạo tiếng nói chung để thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định. Do đó, hai đơn vị cần có sự trao đổi, thống nhất để đưa quy chế vào thực tiễn được hiệu quả.

Việc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành đã đánh dấu một bước phát triển mới trong sự phối hợp giữa hai cơ quan góp phần đảm bảo cho công tác giải quyết, xét xử án và công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với án dân sự, hành chính ngày một đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Nguyễn Phạm Tố Phong