Đồng chí Phạm Viết Vượng – Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh dự và chủ trì hội nghị; tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Lãnh đạo VKSND tỉnh, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phạm Viết Vượng, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Sáu tháng đầu năm 2025, mặc dù còn nhiều khó khăn, song VKSND tỉnh Thái Bình đã chủ động, tích cực tổ chức triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Tỉnh ủy; quán triệt thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong Chỉ thị, Kế hoạch công tác năm 2025 của Viện trưởng VKSND tối cao; tập trung giải quyết vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong các khâu công tác đạt nhiều kết quả tích cực, như: Đã kiểm sát chặt chẽ hơn việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn; trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra tiếp tục được tăng cường; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đều đạt 100%, vượt chỉ tiêu Quốc hội; ban hành 10 kháng nghị, 158 kiến nghị khắc phục vi phạm, 27 kiến nghị phòng ngừa tội phạm, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hình sự, án dân sự được Toà án chấp nhận đạt 100%, vượt 30% so với yêu cầu của Quốc hội, các kiến nghị đều được các cơ quan tiếp thu, thực hiện; tiếp tục phối hợp xác định 78 vụ án trọng điểm.

Phối hợp giải quyết tốt nhiều vụ án phức tạp, án thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo; các yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát được các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan tiếp thu, thực hiện đạt tỷ lệ cao và đều vượt chỉ tiêu Quốc hội.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Thị Thu Trà - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình điều hành phần tham luận.

Việc thực hiện năm đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân và nhiệm vụ trọng tâm đột phá của ngành Kiểm sát Thái Bình đều triển khai thực hiện đúng kế hoạch, yêu cầu; tiếp tục đổi mới và linh hoạt trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, làm tốt công tác đào tạo tại chỗ; việc tham mưu đề xuất trong xử lý công việc của các đơn vị, cá nhân bảo đảm chất lượng, thời hạn và không để xảy ra, sai sót vi phạm lớn.

Tại Hội nghị, có 11 ý kiến phát biểu tham luận của đại diện các đơn vị. Các ý kiến chủ yếu tập trung làm rõ thêm những kết quả, thành tích đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ cũng như  triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Cũng tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo VKSND tỉnh đã phát biểu chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, cũng như giải đáp cụ thể những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Viết Vượng – Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh đánh giá cao kết quả của các đơn vị đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 và chỉ đạo những nhiệm vụ, giải pháp phải tập trung thực hiện trong thời gian tới như:

Tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng và văn bản chỉ đạo của ngành Kiểm sát nhân dân về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, hoạt động của ngành. Chủ động tham mưu, đóng góp ý kiến với cấp ủy trong xây dựng các đề án, dự thảo luật liên quan đến tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.

Tiến hành rà soát toàn diện các chỉ tiêu, yêu cầu công tác năm 2025, đặc biệt chú trọng các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra qua sơ kết 6 tháng đầu năm. Trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp cụ thể, phù hợp để khắc phục, phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Quốc hội và Ngành giao.

Tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, kiên quyết chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, chủ động thực hiện các quyền năng pháp lý vốn có…Đồng thời, tăng cường theo dõi, quản lý, kiểm tra, hướng dẫn VKSND cấp huyện để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình kiện toàn, sắp xếp bộ máy.

Thông qua công tác kiểm sát, chú trọng phát hiện và kiến nghị phòng ngừa trong các trường hợp chủ thể quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc liên quan đến lợi ích công nhưng không có người khởi kiện; các cơ quan quản lý nhà nước, chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước; ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật gây hậu quả nghiêm trọng.

Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về “Chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân”…

Chủ động thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kết quả nghiên cứu, thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuyên truyền sâu rộng các hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2025). Thông qua các hoạt động công tố, kiểm sát để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật, ý thức tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thùy Linh