(BVPL) - Tại trụ sở VKSNDTC, mới đây, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC đã có buổi tiếp ngài Andrej Motyl, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam.
|
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC tiếp ngài Andrej Motyl, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam. |
Tại buổi tiếp, ngài Andrej Motyl, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam đã thông báo đến Lãnh đạo VKSNDTC về mục đích, ý nghĩa chuyến thăm và làm việc lần này. Theo đó, ngài Andrej Motyl mong muốn Lãnh đạo VKSNDTC chấp thuận và tạo điều kiện để Thụy Sỹ cử chuyên gia có kinh nghiệm sang Việt Nam để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xây dựng pháp luật, trong đó có một số dự án luật mà Việt Nam đang trong quá trình soạn thảo như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự... Bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu của Việt Nam trên nhiều mặt, ngài Andrej Motyl cho biết, Thụy Sỹ luôn sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ và chia sẻ những kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng pháp luật cho Việt Nam nói chung, trong đó có VKSNDTC Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước thời gian tới ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Phát biểu tại buổi tiếp, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình thông báo đến ngài Andrej Motyl về việc Việt Nam đã thông qua Hiến pháp sửa đổi và đang tích cực triển khai thi hành bản Hiến pháp này. Cùng với đó, VKSNDTC Việt Nam được Quốc hội giao chủ trì xây dựng một số dự án luật trong đó có Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi); phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng nhiều bộ luật khác và nhiều dự án luật đang trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến. Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát mới được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cho phép thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nhằm bảo đảm nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. Thêm vào đó, Việt Nam và VKSNDTC Việt Nam rất coi trọng những kinh nghiệm của các nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm… Theo đồng chí Viện trưởng VKSNDTC, để làm tốt những công việc trên thì VKSND Việt Nam luôn mong muốn nhận được sự giúp đỡ và chia sẻ những kinh nghiệm quý trong xây dựng pháp luật, trong đào tạo, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm của các nước, các chuyên gia có kinh nghiệm về các lĩnh vực này. Cũng theo đồng chí Viện trưởng VKSNDTC thì trong thời gian tới, Việt Nam - Thụy Sỹ có thể hợp tác về các nội dung trên, trong đó Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các chuyên gia có thiện chí và kiến thức của Thụy Sỹ để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm pháp luật tại các cuộc hội thảo, tọa đàm về xây dựng các dự án luật; chuyên gia cũng có thể tham gia giảng dạy tại tại cơ sở đào tạo của ngành Kiểm sát Việt Nam… Đồng chí Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình mong rằng, thời gian tới, các cơ quan pháp luật của Việt Nam, trong đó có VKSNDTC sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xây dựng pháp luật, trong đào tạo và trong đấu tranh phòng chống tội phạm của Thụy Sỹ và trên cương vị của mình, ngài Đại sứ sẽ là chiếc cầu nối nhằm góp phần giúp cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước nói chung và các cơ quan bảo vệ pháp luật của hai nước nói riêng ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Trước đó, tại trụ sở VKSNDTC, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC đã tiếp đoàn chuyên gia Nhật Bản do ông Morinaga Taro, Giảng viên, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực châu Á và Viễn Đông của Liên Hợp quốc (UNAFEI) làm Trưởng đoàn nhân chuyến thăm và làm việc của đoàn tại Việt Nam từ ngày 15 đến ngày 19/9/2014. Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của đoàn chuyên gia Nhật Bản trên cơ sở chuyến công tác của đồng chí Viện trưởng VKSNDTC tại Nhật Bản vào tháng 8/2013, trong khuôn khổ Dự án hợp tác quốc tế JICA Nhật Bản và theo Kế hoạch hoạt động năm 2014 đã được Lãnh đạo Viện và Ban chỉ đạo Dự án phê duyệt.
Đắc Thái