Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, từ chỗ chỉ là một bộ phận thuộc biên chế Cục Quân pháp, Toà án binh, Toà án quân sự trước đây, với nhiệm vụ thực hành quyền công tố tại các phiên toà, hệ thống Viện kiểm sát quân sự (VKSQS) gồm VKSQS Trung ương, VKSQS quân khu và tương đương, đã trở thành một hệ thống hoàn chỉnh với 2 cấp gồm 18 Viện.

Thực hiện Nghị quyết số 49- NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, VKSQS các cấp đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy làm việc, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống VKSQS (12/5/1961 - 12/5/2021), Bảo vệ pháp luật có cuộc trao đổi với lãnh đạo một số đơn vị trong ngành.

Thiếu tướng Nguyễn Trung Hưng, Phó Viện trưởng VKSQS Trung ương: Nâng cao và kiện toàn chất lượng cán bộ, Kiểm sát viên

Trong quá trình phát triển, VKSQS các cấp luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên (KSV), theo hướng cử đi đào tạo ở nước ngoài, phối hợp với các cơ sở đào tạo Luật có uy tín để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, KSV. Đến nay, số lượng cán bộ, sĩ quan có trình độ đại học trở lên là 100%, trong đó, cử nhân Luật trên 100%, trình độ sau đại học 23,47%, trong đó trình độ tiến sĩ Luật là 1,27%.

Đặc biệt, VKSQS Trung ương đã xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, KSV Viện kiểm sát quân sự, thành lập Ban quản lý thực hiện Đề án bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cán bộ Viện kiểm sát quân sự, hàng năm tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tại Trung tâm bồi dưỡng, huấn luyện, góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cho cán bộ, KSV. 

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Trung Hưng, Phó Viện trưởng VKSQS Trung ương. 

Các VKSQS tăng cường công tác tự đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, phối hợp với Toà án quân sự tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm. Các công tác này đã đánh dấu kết quả thu được rõ nét về tổ chức bộ máy, tổ chức cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của Viện kiểm sát quân sự qua 60 năm xây dựng và phát triển. Điều này đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, những năm gần đây, VKSQS các cấp luôn hoàn thành đạt và vượt, kiểm sát 100% tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố và trong cả giai đoạn điều tra, tỉ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 100%, không có bị can, bị cáo bị đình chỉ vì hành vi không cấu thành tội phạm, không có trường hợp nào VKS truy tố, Toà án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội. 

Trong giai đoạn hiện nay, đất nước, quân đội vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, hạn hán, dịch bệnh kéo dài, tình hình tội phạm còn có những diễn biến phức tạp, xuất hiện các loại tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao. Bên cạnh đó, các thế lực bên ngoài vẫn luôn tìm cách gây mất ổn định chính trị - xã hội…Trước tình hình mới, đòi hỏi VKSQS các cấp cần phát huy kết quả đạt được, tiếp tục đổi mới các biện pháp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn đầy đủ về công tác tổ chức, cán bộ; đề cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp kết hợp với đẩy mạnh các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, bồi dưỡng tại chỗ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, KSV trong sạch, vững mạnh, có đủ năng lực, trí tuệ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Đồng chí Đàm Thuận Công, Trưởng phòng 1, VKSQS Trung ương: Thực hiện chỉ đạo không có “vùng cấm” trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng

leftcenterrightdel
Đồng chí Đàm Thuận Công, Trưởng phòng 1, VKSQS Trung ương. 

Được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, cán bộ, KSV Phòng 1, các đồng chí trong tổ án được phân công giải quyết đã thực hiện đúng, đủ các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Thực hiện chủ trương về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà”, các KSV đã chú trọng, kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra; đặc biệt là sự phối hợp của các đồng chí trong tổ án, của những KSV kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố tại Toà. 

Thời gian qua, số vụ tội phạm, vi phạm pháp luật hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội có diễn biến phức tạp, xảy ra một số vụ tội phạm có tính chất và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín Quân đội. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo VKSND tối cao, những vi phạm đều được xem xét, xử lý một cách nghiêm minh, thận trọng, chặt chẽ, khách quan, thấu đáo, có lý, có tình, đúng người, đúng khuyết điểm và không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”; rõ đến đâu xử lý đến đó.

Đại tá Trương Đức Anh, Viện trưởng VKSQS Quân khu 5: Xử lý nghiêm tội phạm xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm quân nhân để răn đe, giáo dục

Thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trên địa bàn có diện tích bằng ¼ cả nước, VKSQS Quân khu 5 luôn xác định phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đơn vị luôn phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp trong và ngoài Quân đội, cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, đấu tranh với tội phạm xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm quân nhân nói riêng. Qua bám nắm tình hình, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, VKSQS Quân khu 5 kịp thời phối hợp với Cơ quan điều tra tiến hành xác minh, làm rõ, nhất là các trường hợp tự ý bỏ đi khỏi đơn vị, quân nhân đánh nhau, tự gây thương tích cho bản thân… để xử lý đúng theo quy định của pháp luật.  Ngoài ra, định kỳ tiến hành rà soát án đào ngũ đang tạm đình chỉ, phối hợp với chính quyền địa phương, Công an để khi phát hiện đối tượng truy nã thì kịp thời bắt giữ, xử lý. 

leftcenterrightdel
Đại tá Trương Đức Anh, Viện trưởng VKSQS Quân khu 5. 

Thời gian gần đây, VKSQS Quân khu 5 đã phối hợp với Cơ quan điều tra xử lý các vụ án: vụ chống mệnh lệnh, vụ làm nhục, hành hung đồng đội, vụ đào ngũ, vụ quân nhân tự thương nhằm trốn tránh nhiệm vụ; phối hợp với Tòa án xét xử lưu động các vụ làm nhục, vụ đào ngũ và nhiều vụ hành hung đồng đội mà hậu quả gây thương tích nặng nên bị xử lý tội Cố ý gây thương tích. Qua đó, không chỉ xử lý nghiêm khắc đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà còn tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác trong việc chấp hành pháp luật nói chung, về các tội phạm xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm quân nhân nói riêng. 

Ngoài ra, VKSQS Quân khu 5 đã làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trực tiếp tuyên truyền Chương XXV Bộ luật Hình sự “về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu” tại các cơ quan, đơn vị, nhất là những đơn vị có quân nhân thực hiện nghĩa vụ quân sự, đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới… 

Qua công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này và việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần tích cực hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành pháp luật cho quân nhân, hiệu quả thể hiện rõ nét ở việc các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đã giảm đáng kể, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của lực lượng vũ trang trên địa bàn Quân khu.

Đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Viện trưởng VKSQS Quân khu 9: Chú trọng giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của quân nhân

Tại VKSQS Quân khu 9, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Viện kiểm sát quân sự Quân khu 9 được Thủ trưởng Cục Chính trị đánh giá là điểm sáng, đạt được những kết quả nổi bật trong những năm qua, phương pháp truyền đạt có nhiều đổi mới, nội dung, hình ảnh minh họa sinh động, phù hợp đối tượng học tập, chất lượng được nâng cao. 

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Viện trưởng VKSQS Quân khu 9. 

Từ năm 2015-2020, VKSQS Quân khu 9 đã trực tiếp tuyên truyền tại các cơ quan, đơn vị được 2.356 giờ/ 96.277 lượt người dự nghe. Trong đó, công tác tổ chức Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam hàng năm được VKSQS Quân khu phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và đạt hiệu quả tuyên truyền cao như sân khấu hoá, thi hùng biện, thi tìm hiểu pháp luật, tặng sách cho các tủ sách pháp luật tại nhiều đơn vị. Đặc biệt, năm 2020 VKSQS Quân khu 9 đã phối hợp với Phòng Tuyên huấn Quân khu 9 tổ chức Ngày pháp luật tại Lữ đoàn Công binh 25, là một trong 4 đơn vị được Tổng cục Chính trị chọn làm điểm trong toàn quân.

Qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần có hiệu quả trong phòng, chống vi phạm, tội phạm trong Lực lượng vũ trang Quân khu, được Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu tin tưởng, các cơ quan đơn vị đánh giá cao.

Đại tá Hoàng Đăng Tuyên, Viện trưởng VKSQS Quân chủng Hải quân: Tuyên truyền, giáo dục tình yêu biển đảo quê hương

Quán triệt, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đối với sự nghiệp xây dựng Quân chủng Hải quân và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, VKSQS Quân chủng Hải quân đã tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng, Hội đồng phối hợp PBGDPL Quân chủng và trực tiếp PBGDPL cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển.

leftcenterrightdel
 Đại tá Hoàng Đăng Tuyên, Viện trưởng VKSQS Quân chủng Hải quân.

Trong quá trình triển khai, thực hiện, VKSQS Quân chủng Hải quân đã biên soạn nhiều chuyên đề khác nhau sát với thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển như: Chuyên đề Luật Biển Việt Nam, chuyên đề Công ước quốc tế về Luật Biển, chuyên đề về Bộ luật Hình sự,  Bộ luật Dân sự, Luật Thuỷ sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Cảnh sát biển Việt Nam… Quan tâm cung cấp các sách luật, nghị định, thông tư bảo đảm nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ, làm cơ sở để các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển PBGDPL cho người dân, ngư dân trên biển, nêu cao tinh thần trong việc bám biển, giữ biển góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đối với nhiệm vụ này, trong 5 năm qua, Viện đã trực tiếp huấn luyện pháp luật 1.600 giờ/2.700 lượt người. 

Đặc biệt, VKSQS Quân chủng Hải quân đã chú trọng kết hợp giữa PBGDPL với công tác nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ trực, chốt giữ, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc để cán bộ, chiến sĩ là cầu nối trực tiếp PBGDPL cho ngư dân nắm các quy định về khai thác hải sản, nhận thức đầy đủ các vùng biển chồng lấn, tranh chấp… giúp ngư dân chủ động khai thác an toàn trên biển, không vi phạm các quy định như: đánh bắt hải sản bất hợp pháp, tranh chấp ngư trường, hủy hoại môi trường biển, nhất là các vùng biển xa.

Ngoài hình thức PBGDPL trực tiếp, để ngư dân không mất nhiều thời gian trong việc nắm được các quy định cơ bản của pháp luật về hoạt động khai thác hải sản, Viện đã nghiên cứu, đề xuất Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân ban hành hơn 12.000 tờ gấp pháp luật để các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển PBGDPL cho ngư dân dễ hiểu. Nội dung tờ gấp làm rõ vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cơ sở pháp lý, lịch sử, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá Bùi Văn Xuê, Viện trưởng VKSQS Quân khu 3: Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án liên quan lĩnh vực ngân hàng 

Trong thời gian vừa qua, thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các vụ án hình sự, VKSQS Quân khu 3 thấy rằng, tội phạm liên quan đến lĩnh vực ngân hàng xảy ra ngày càng nhiều, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. 

leftcenterrightdel
Đại tá Bùi Văn Xuê, Viện trưởng VKSQS Quân khu 3. 

Các thủ đoạn được tội phạm sử dụng thường là: Thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, giấy đăng ký xe ô tô giả, nguồn phải thu khống (gồm các hợp đồng mua bán, hóa đơn giá trị gia tăng, phiếu xuất kho, biên bản đối chiếu công nợ, bản cam kết ba bên)... để chiếm đoạt tiền tại nhiều ngân hàng; Lợi dụng người thân quen, người đang có nhu cầu vay vốn để họ dùng bất động sản của mình đứng ra thế chấp, bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng, sau đó bỏ trốn, ngân hàng muốn xử lý tài sản thế chấp thì không xử lý được vì chủ bất động sản không giao tài sản; Làm giả các giấy tờ cá nhân như Chứng minh sĩ quan, quyết định điều động, bổ nhiệm, thăng quân hàm, giấy xác nhận,... để bản thân hoặc nhờ người khác vay tiền dưới hình thức vay tín chấp để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Tuy nhiên, các đối tượng có những hành vi nêu trên đều được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bảo đảm tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa trong xã hội nói chung và trong Quân đội nói riêng. Để đấu tranh với các loại tội phạm trên, cán bộ, KSV trong Quân khu 3 luôn nâng cao ý thức học tập, tìm hiểu các quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng để nâng cao chất lượng công tác. 

leftcenterrightdel
Thượng tá Lê Tuấn Phong - Viện trưởng VKSQS Khu vực 51 thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án Nguyễn Văn Thành phạm tội Đào ngũ, tại Hội trường Sư đoàn Bộ binh 2, Quân khu 5. 

Từ sau ngày thành lập (12/5/1961) đến nay, các VKSQS đã từng bước trưởng thành, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trong Quân đội, giữ gìn pháp chế thống nhất, bảo đảm sức chiến đấu của Quân đội qua từng thời kỳ phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. 

Hà Nhân (thực hiện)